Đồng chí Huỳnh Công nghiệp (bên phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành gặp gỡ hội viên được hỗ trợ vốn vay trong mô hình nuôi tôm xàng xanh trong ruộng lúa.
Bài 1: Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) kinh tế của Trà Vinh tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2008 – 2022 (giá so sánh năm 2010) tăng khoảng 10,83%/năm, đây là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước và trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và các Kết luận có liên quan của Bộ Chính trị, giai đoạn 2008-2021; cùng với thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch hành động trong thực hiện “tam nông”…
Kết quả mang lại đã thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh mẽ qua thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với các thành tựu từ: giao thông, thủy lợi, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi đến phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống nông dân và mở rộng, kết nối từ các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh vào chuỗi sản xuất…Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng: từ 18,38% năm 2008, tăng lên 31,97% năm 2022; dịch vụ: từ 21,32% tăng lên 30,97%; giảm tỷ trọng nông nghiệp: từ 60,3% năm 2008 xuống còn 30,99% năm 2022, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong 10 năm qua luôn gia tăng, bình quân tăng 3,13%/năm; năm 2022 đạt 30.237 tỷ đồng (theo giá năm 2010), tăng 10.594 tỷ đồng so với năm 2008; giá trị sản xuất trên ha đất nông nghiệp đạt 204 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,7 lần so năm 2008; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 44,53 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,81 lần so với năm 2008.
Trong thực hiện “tam nông”, các cấp Hội Nông dân “đồng hành” cùng nông dân triển khai các nguồn vốn chính sách hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế; kêu gọi các doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết với nông dân về tiêu thụ nông sản; chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật… Qua đó, đã có hàng ngàn nông dân tham gia và hưởng lợi từ các chương trình “tam nông” được Nhà nước hỗ trợ thông qua Hội Nông dân tỉnh với các đơn vị đối tác.
Đồng chí Quảng Thanh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thông qua Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 19/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với phương châm lấy nông nghiệp làm “trụ đỡ”, nông dân là “động lực”, nông thôn làm “nền tảng” đây là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong 05 năm (2018-2023), thực hiện các dự án, chương trình về phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố đã và đang đầu tư cho 469 dự án/5.240 lượt hộ hội viên vay (trong đó có trên 2.000 lượt hộ dân tộc Khmer vay); mở 154 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn/3.704 học viên (trong đó có 723 hội viên là người dân tộc Khmer). Hội phối hợp các ngành đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được 3.648 lao động (trong đó có 909 hội viên nông dân là người dân tộc Khmer)…
Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh đã triển khai trong năm 2023, như: phân bổ khoảng 78 tỷ đồng cho các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho người các địa phương để sản xuất lúa và đầu tư triển khai xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất (Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ); các tổ chức tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh 23.300 tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ toàn tỉnh theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, tổng kinh phí 49 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021). Chính sách bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh: đã tuyển dụng và bố trí 95/101 cán bộ thú y về các xã, phường, thị trấn…
Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ