Đó là cách nói của nông dân xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long dành cho ông Nguyễn Thế Minh, sinh năm 1957, là hội viên Hội Nông dân, ngụ ấp Dừa Đỏ 3, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long.
Ông Nguyễn Thế Minh, kiểm tra ca cao đạt chuẩn trước khi thu hoạch.
Trước năm 2012, ông Minh lập vườn trồng xoài, dừa… nhưng rồi ông cũng qua “điệp khúc trồng, chặt”, cuối cùng ông quyết định trồng ca cao xen dừa cho đến nay. Ông Minh khẳng định: Không có cây trồng nào mà khi trồng xen trong vườn dừa hiệu quả hơn cây ca cao như hiện nay.
Khoảng năm 2012, khi ngành nông nghiệp vận động nông dân tham gia phong trào trồng ca cao xen vườn dừa, ông Nguyễn Thế Minh hưởng ứng và vẫn khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn, trong khi có nhiều nông dân khác đốn ca cao. Theo ông Minh, cây dừa có ưu thế là thích hợp với vùng đất Càng Long nói chung, Nhị Long Phú nói riêng. Những năm qua, dừa có “nhược điểm” là giá dừa trái không ổn định. Vì thế, mô hình trồng ca cao xen vườn dừa của ông Minh đã phần nào giảm khó khăn về thu nhập bình quân/cùng diện tích vườn.
Đến vườn dừa trồng xen ca cao của ông Minh vào thời điểm đầu tháng 10/2022, hỏi về tính hiệu quả của mô hình, ông Minh cho biết: Với 0,8ha, ông Minh trồng 500 gốc ca cao. Hiện nay, cứ từ 10-12 ngày là ông thu hoạch một lần, giá bán hiện 5.000 đồng/kg… Xen ca cao vào vườn dừa không những không ảnh hưởng đến cây dừa mà còn giúp nông dân tăng nguồn thu đáng kể cho nông hộ. Thực tế, từ năm 2013 đến nay mô hình đã phát huy hiệu quả. Dù hiện nay giá ca cao ở mức 5.000 đồng/kg trái tươi, nhưng thu nhập không những cao mà còn “khỏe” trong khâu chăm sóc cũng như trồng dừa. Người mua ca cao đến tận vườn cùng thu hoạch, cân xong, người mua tự chẻ trái lấy hạt, không phải chở ca cao trái cồng kềnh đi bán cực công như trước kia. Vừa qua, khi giá dừa trái thấp, ở mức 30.000-32.000 đồng/chục, ông Minh thu nhập từ dừa khoảng 04 triệu đồng/tháng/0,8ha; song song đó, ca cao cũng gần 03 triệu đồng/tháng/0,8ha; tổng 02 nguồn thu gần 07 triệu đồng/tháng/0,8ha.
“Tôi thử hỏi có cây nào, mô hình nào mà chỉ cần bỏ công chăm sóc 01 mà hưởng lợi 02; ca cao dễ trồng, chi phí không thêm nhiều, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất vườn, dù thế nào tôi cũng không đốn ca cao. Ở đâu không biết chứ ở vùng Nhị Long Phú này, tôi khẳng định: không có cây nào trồng hiệu quả hơn cây ca cao xen dừa”- ông Minh chia sẻ.
“Năm 2021, sản lượng ca cao của ông Minh đạt 13,8 tấn trái, thu nhập 69 triệu đồng/0,8ha/năm. Ông Minh biết được sản lượng này chính xác nhờ chủ cơ sở mua ca cao của ông đã tổng kết, chiết khấu để khen thưởng; ông Minh là nhà vườn duy nhất có sản lượng ca cao nhiều nhất ở xã Nhị Long Phú. Thu nhập như thế, theo ông Minh là hoàn toàn thích hợp với khả năng lao động của người lớn tuổi như ông vì ca cao và dừa đều không tốn nhiều công chăm sóc. Khi chăm sóc ca cao cũng cùng chăm sóc dừa, “một công đôi lợi”. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao khi trồng xen ca cao trong vườn dừa, ông Minh cho rằng nguồn nước và phân cũng không được chủ quan, mà “làm ngơ”, sẽ dẫn đến năng suất thấp, nhất là làm cách nào giảm chi phí trong quá trình, giải phóng sức lao động…
Từ đó, năm 2015, khi ca cao có thu nhập ổn định, qua học tập kinh nghiệm, ông Minh mạnh dạn đầu tư gần 20 triệu đồng để mua các thiết bị và lắp đặt hệ thống tưới nước phun tự động, khoảng cách mỗi béc phun từ 3,5-04m, đảm bảo tưới cho 04 cây ca cao và từ 03-04 cây dừa; khi mở CP, nước tự phun. Theo ông Minh, trước khi chưa lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, nếu mùa nắng, 01 tuần phải dành 01 ngày để tưới mới giáp 0,8ha; nhưng từ khi lắp đặt hệ thống tưới phun, 01 tuần chỉ mất 01 giờ, không chỉ tiết kiệm điện từ 120.000 đồng/tháng, nay chỉ còn 40.000 đồng/tháng; so với trước đây, tưới phun nước thấm đều hơn, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tăng năng suất. Đây là bước ngoặt quan trọng trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Để không hư hỏng ống nước khi thu hoạch dừa, ông Minh cho hệ thống ống đchôn dưới đất sâu từ 05-10cm; đồng thời, ông mua 02 ống tuýt sắt, loại phi 30, khi thu hoạch cây dừa nào có nguy cơ trái dừa rớt hư béc phun nước, ông trùm ống tuýt sắt và sau đó dời đi nơi khác nếu cần…
Từ mô hình ca cao xen canh vườn dừa hiệu quả, bền vững, ở Nhị Long Phú nói riêng, huyện Càng Long nói chung, nhiều nhà vườn bắt đầu sang Bến Tre, Tiền Giang mua giống ca cao về trồng xen dừa. Hiện mô hình trồng cây ca cao xen trong vườn dừa tạo sinh kế cho nông dân không chỉ có ở Nhị Long Phú, Càng Long mà nhiều địa phương khác, nông dân đã, đang áp dụng đầy triển vọng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân