Hàng ngày, ông Việt cho chồn ăn hai lần thức ăn là trái cây và cá. Ảnh: Hồ Thảo.
Ông Việt chia sẻ, thấy bạn bè nuôi chồn hương hiệu quả cùng với nhu cầu thực phẩm đặc sản trên thị trường còn khá tiềm năng, năm 2022, ông mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng làm chuồng và khoảng 600 triệu đồng để mua con giống về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu, mô hình của ông Việt gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập tính sống của loài chồn. Vì vậy, ông tự nghiên cứu, tìm hiểu tích lũy kiến thức trên internet, học kỹ thuật chăm sóc thêm từ những người nuôi trước rồi rà soát lại quy trình nuôi của mình để thay đổi cách chăm sóc cho phù hợp.
Sau hai năm, ông Việt đã gây dựng thành công trang trại chồn hương rộng 300m2 với các nhóm chồn thịt, sinh sản và hậu bị, tổng đàn trên 50 con. Hiện tại, ông Việt không chỉ bán chồn thịt cho các khách sạn trong tỉnh mà còn cung cấp chồn giống cho bà con ở các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Cà Mau với số lượng hàng chục con mỗi năm.
Chồn vốn là loại động vật hoang dã rất hung hăng nên ông Việt nhốt chồn con ra chuồng riêng. Ảnh: Hồ Thảo.
Ông Việt nhận xét, chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là ít gây ô nhiễm môi trường. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín, các loại hoa quả ngọt, cá rô phi, cua,… nuôi chồn ít tốn kém hơn vật nuôi khác. “Tôi cho chúng ăn mỗi ngày 2 lần, sáng và tối, chi phí thức ăn chỉ khoảng 2.000 đồng/con/ngày”, ông Việt nói.
Ông Việt cho biết, chồn vốn là động vật hoang dã, rất dữ, nếu nuôi nhốt chung chúng thường cắn nhau nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô, kích thước chuồng nuôi khoảng 1m2/con.
Hàng ngày, ông Việt dọn vệ sinh, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. Nếu như trời lạnh chồn phải được ủ ấm, trời nóng thì dùng hệ thống phun sương chống nóng, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.
So với các mô hình chăn nuôi khác, nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ việc bán con giống và chồn thương phẩm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Ông Việt tiết lộ: “Nếu chăm sóc đúng cách, một con chồn mẹ, mỗi năm sinh sản từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa 2 – 6 con. Chồn hương con nuôi khoảng 2 – 4 tháng có thể bán giống với giá từ 7 – 8 triệu đồng/cặp và tuỳ vào tháng tuổi giá bán sẽ cao hơn 15 triệu đồng/cặp. Chồn giống hậu bị giá từ 15 – 20 triệu đồng/con, giống bố mẹ sinh sản giá từ 20-25 triệu đồng/con (2,6 kg/con), bán với giá từ 1,6 – 2 triệu đồng/kg”.
Đây là một con chồn hậu bị ông Việt bán với giá khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: Hồ Thảo.
Theo ông Việt, nuôi chồn hương không chỉ ít tốn diện tích nuôi lại nhẹ công chăm sóc. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ sẽ có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông cho biết sẽ mở rộng trang trại và tiếp tục cung cấp con giống cho bà con có nhu cầu chăn nuôi để phát triển kinh tế, đồng thời ông còn bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.
Theo bà Bùi Thị Tiếm, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, chồn hương có giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều vật nuôi khác, đặc biệt là với nhu cầu ngày càng lớn từ các quán ăn và nhà hàng, do đó đầu ra cho chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi.
“Mô hình nuôi chồn hương của ông Việt không chỉ tốn ít không gian mà còn mang lại lợi nhuận hấp dẫn, phù hợp để phát triển kinh tế đô thị. Hội Nông dân đang tích cực vận động để mở rộng mô hình này cho bà con”, bà Tiếm nói.
Hồ Thảo