Nông dân Lê Văn Tiến, ấp Trà On phấn khởi mùa chanh bội thu.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí cho biết: ban đầu khi mới thành lập có 10 thành viên tham gia trồng thử nghiệm 07ha chanh không hạt, sau đó nhận thấy việc liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra sản phẩm ổn định, năng suất chanh đạt từ 30 – 50 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Do đó nên những năm tiếp theo hợp tác xã đã thu hút đến nay 20 thành viên tham gia sản xuất 40ha, góp phần giải quyết việc làm cho 23 lao động địa phương. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết với các huyện Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần triển khai thực hiện mô hình chanh không hạt trên diện tích 142ha. Bên cạnh đó, hợp tác xã phối hợp với Hội Nông dân hỗ trợ vốn vay cho các thành viên tham gia từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp thành viên an tâm đầu tư mùa vụ mới.
Nông dân Lê Văn Tiến, ấp Trà On, xã Huyền Hội đã thực hiện chuyển đổi thành công mô hình trồng chanh không hạt trên đất lúa mang lại lợi nhuận bình quân từ 200 – 250 triệu đồng/năm. Ông Tiến cho biết: trồng lúa có năm được mùa thất giá, có năm thất giá được mùa, có vụ năng suất đạt 05 tấn – 06 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/ha; có vụ đạt 07 tấn/ha lợi nhuận đạt 25 – 30 triệu đồng/ha. Do năng suất không ổn định, giá bán bấp bênh, đồng thời để cải thiện kinh tế gia đình, năm 2019, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 0,4ha đất lúa sang trồng thử nghiệm chanh không hạt và được hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí liên kết cung ứng đầu và đầu ra, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Ông Tiến cho biết thêm: chi phí đầu tư trồng chanh không hạt ban đầu tư việc lên liếp, đắp mô, giống, phân thuốc, công lao động… khoảng từ 15 – 20 triệu đồng/0,1ha, khoảng 16 – 18 tháng cho thu hoạch trái chiến và cho trái thu hoạch ổn định đến năm thứ 3 nông dân thu hồi vốn ban đầu. Hơn 0,4ha chanh không hạt hiện đang cho trái với sản lượng thu hoạch bình quân đạt 2,5 – 03 tấn/tháng, giá bán hiện nay 15.000 – 17.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, hiện nay ông đã mở rộng thêm 0,3ha đất lúa sang trồng chanh không hạt đã phát triển gần 09 tháng tuổi.
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM và hưởng ứng phong trào thi đua “cả nước chung sức XDNTM”, những năm qua, xã Huyền Hội, huyện Càng Long chỉ đạo cả hệ thống chính trị và tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, trong đó phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Nổi bật mô hình trồng chanh không hạt của nông dân được liên kết với hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đây được đánh giá mô hình điển hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã đã và đang ngày càng phát triển và nhân rộng.
Huyền Hội là đơn vị tiên phong liên kết và áp dụng khoa học – kỹ thuật trồng chanh không hạt xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Điều đáng mừng là địa phương có hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (Hà Lan) bao tiêu sản phẩm với giá hợp đồng ban đầu 10.000 đồng/kg và mua theo giá thị trường, nông dân an tâm sản xuất. Riêng địa bàn huyện Càng Long, hợp tác xã đã liên kết nhân rộng hơn 40ha chanh không hạt và liên kết với các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú khoảng 142ha. Từ nay đến năm 2025, xã được huyện chọn là một trong những xã quy hoạch thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và mở rộng diện tích trồng chanh không hạt 100ha tập trung ở ấp Giồng Bèn, Bình Hội, Trà On. Từ khi mô hình trồng chanh không hạt hình thành, thu nhập của nông dân tăng gấp 10 lần so với trồng lúa, đời sống của người dân ngày càng phát triển, góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành chương trình XDNTM.
Bài, ảnh: Ngọc Hân