Theo nghị quyết của Đảng ủy xã năm 2023, Hội Nông dân xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang tiếp tục triển khai chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh nông sản.
Công chức nông nghiệp – môi trường Huỳnh Tùng Quân (trái) khảo sát rẫy ớt của gia đình nông dân Nguyễn Văn Tân.
Trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn xã đang phát huy tốt vai trò dẫn dắt kinh tế hộ, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ sang tập trung, chú trọng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Với lợi thế vùng chuyên sản xuất được cây dưa hấu, bí đỏ, ớt chỉ thiên, những năm qua, thu nhập của người dân ấp Hạnh Mỹ, Nhứt A, Mỹ Thập, Bến Kinh, Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc không ngừng cải thiện và nâng cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành nông nghiệp với từng lợi thế của tiểu vừng. Nông dân Trần Văn Út cho biết: Vụ dưa hấu năm 2023, với 0,8ha đất của gia đình, ông trồng 0,6ha ớt chỉ thiên và 0,2ha dưa hấu sản xuất theo quy trình hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Năng suất đạt 2,8 tấn/0,1ha, giá bán 14.000 đồng/kg, lợi nhuận 17 triệu đồng/0,1ha. Theo ông Út, trồng dưa hấu hữu cơ bước đầu đem lại hiệu quả cao, nhất là chi phí đầu tư phân hữu cơ chỉ sử dụng 01 lần cho đến cuối vụ, quan trọng chất lượng trái nâng cao (đều và đẹp), độ ngọt đậm đà, giá bán cao hơn trồng dưa truyền thống từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Để mô hình trồng dưa hấu hữu cơ của xã ngày càng nhân rộng, ông mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện liên kết đầu ra, bởi dưa hấu trồng thu hoạch 01 lần kết thúc, nếu đầu ra giải quyết tốt, nông dân an tâm sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Tân, ấp Hạnh Mỹ chọn cây ớt chỉ thiên trồng trong vụ mùa này tuy giá bán không cao như đầu vụ nhưng dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt từ 10 – 15 triệu đồng/0,1ha. Từ khi hợp tác xã thu mua ớt chỉ thiên của nông dân nên thời gian qua nông dân an tâm sản xuất. Với ông Tân, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã nông dân ngoài được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, thành viên được liên kết đầu vào và đầu ra, nông dân yên tâm sản xuất.
Theo đồng chí Lê Văn Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long Bắc cho biết: năm 2023, Hội Nông dân xã tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp trong xã. Theo đó, Hội tập trung thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương và các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Hội Nông dân xã chú trọng tập trung những cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật gắn với đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhất là đưa các giống có năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích cây màu có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định như đậu phộng, dưa hấu, bắp giống, ớt chỉ thiên, bí đỏ… sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển thành viên mới, hướng dẫn hợp tác xã nông nghiệp Nhứt A hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở kế hoạch của Đảng ủy xã, Hội Nông dân tập trung phát triển sản phẩm chủ lực đặc trưng, chất lượng của xã, tạo điều kiện triển khai thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Phấn đấu cuối năm 2023, diện tích cây màu đạt 2.425ha, diện tích trồng lúa đạt 1.770ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hội Nông dân xã phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, chú trọng vật nuôi có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế hộ, kinh tế trang trạng nhằm nâng cao chất lượng đàn gia súc gia cầm, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi bò theo hướng nâng cao tầm vóc đàn bò. Phấn đấu cùng với địa phương đến cuối năm 2023, tổng đàn bò nuôi trên địa bàn xã 5.850 con, đàn heo 7.500 con.
Lĩnh vực thủy sản, Hội tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi hình thức nuôi đa dạng hóa con nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện từng vùng, góp phần nâng cao giá trị sản lượng thủy sản. Phấn đấu khai thác và nuôi trồng cuối cuối năm đạt 2.550 tấn thủy sản các loại. Ưu tiên phát triển những mặt hàng nông sản có lợi thế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Kim Ngân
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân