Nông dân Nguyễn Văn Hiện kiểm tra hệ thống tưới nén.
Từ thực tế đó, cùng với xu hướng phát triển chung, hiện các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh đã vào cuộc. Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nhiệm vụ, chức năng của ngành, Sở đã đẩy mạnh CĐS và đạt kết quả quan trọng.
Hiện công tác quản lý nhà nước có 100% giấy phép thực hiện qua hành chính công (trừ văn bản mật) phát hành và nhận qua ioffice; lĩnh vực trồng trọt, phát triển dịch vụ máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (toàn tỉnh có 52 máy phun, trên 15.000ha/vụ), tập trung ở các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và Trà Cú.
Sở triển khai ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật; bẫy rầy thông minh, trạm giám sát côn trùng; hệ thống bơm nước tự động để sản xuất lúa ở những cánh đồng lớn; dự báo thời tiết qua Zalo nhóm; sản xuất rau, màu trong nhà lưới có kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ tự động (đã hỗ trợ trên 80 cơ sở); định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm 82 mã (57 mã phục vụ trong nước và 25 mã phục vụ xuất khẩu).
Nông dân Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long là một trong những nông dân tiên phong áp dụng hệ thống tưới phun trong trồng hẹ. Ông Sơn có 1.500m2 đất chuyên sản xuất hẹ. Trước đây, ông tưới theo phương pháp truyền thống, năm 2019, ông làm quen với CĐS, áp dụng hệ thống tưới phun hiệu quả.
Ông Sơn cho biết, lắp đặt hệ thống ống có gắn béc phun, với 1.500m2, ông sử dụng 01 máy bơm 1,5CV; lắp đặt hệ thống tắt-mở qua bộ điều khiển. Khi tưới, chỉ cần điều khiển từ xa, tưới hết khu vực này, qua khu vực khác, vừa giảm chi phí thời gian, vừa tiết kiệm điện, nước và tăng lợi nhuận.
Nông dân Nguyễn Văn Hiện, ngụ ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long trồng 1,2ha chanh (gần 400 gốc), 0,3ha táo trong nhà lưới (gần 70 gốc). Ông Hiện chia sẻ: do gia đình thiếu lao động, chăm sóc và tưới cây hàng ngày mất nhiều thời gian, nên ông tìm đến những tiến bộ của công nghệ; ông Hiện bố trí 02 điểm bơm nén, từ điểm bơm lắp đặt đường ống dẫn nước chính (phi 06cm), dài 500m. Qua đường ống chính, đấu nối các ống nhánh (phi 2,1cm) có lắp đầu phun sương. Sau khi 02 máy bơm hoạt động, lượng nước được đưa vào hệ thống nén có điều chỉnh áp suất và CP tự động; đảm bảo nguồn nước đủ mạnh để cung cấp đến các ống nhánh tưới chanh và tưới táo. Trong quá trình bơm, hệ thống nén và CP tự động, giúp máy bơm vận hành ổn định và tưới phun còn giúp máy bơm vận hành phù hợp với việc đưa lượng nước, thuốc vừa đủ với nhu cầu sinh trưởng của cây.
Đồng chí Lê Văn Đông cho biết thêm: nuôi thủy sản đã lắp đặt các hệ thống quan trắc nước tự động; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh, trong đó có mô hình TOMGOXY khép kín kiểm soát tự động từ nuôi đến phân phối sản phẩm; kiểm tra an toàn tàu cá tự động, trang bị máy dò cá cho các tàu cá, quan trắc nước tự động; 100% tàu cá (247 tàu có chiều dài hơn 15m) lắp đặt VMS giám sát hành trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản qua phần mềm VNFISHBASE.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Sở triển khai kiểm soát quá trình nuôi qua điện thoại thông minh; xác minh, quản lý, xác định các ổ dịch bệnh qua phần mềm để phục vụ phòng, chống dịch (VAHIS); định vị đơn vị hành chính cấp xã phục vụ phòng, chống dịch (GPS); thu phí kinh doanh online; truy xuất nguồn gốc heo thịt, gà thịt, trứng gà từ chuồng nuôi đến bàn ăn; quản lý khí phát thải công trình Biogas bằng phần mềm LogAlto (207 hầm – dự án SNV từ 2022-2026)…
Ngoài ra, Sở còn triển khai đồng bộ một số lĩnh vực về quản lý, bảo vệ rừng: thực hiện bản đồ số trong lâm nghiệp; sử dụng máy bay không người lái giám sát, kiểm tra rừng (phối hợp Công ty TNHH MTV Xã hội MangLub Việt Nam thực hiện). Lĩnh vực nông thôn mới, thực hiện truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; triển khai phần mềm nhật ký sản xuất vùng (FaceFarm) và hệ thống phần mềm Kế toán hợp tác xã (WACA). Lĩnh vực nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Sở quản lý khách hàng, thu phí sử dụng nước online (bằng máy Postable printer); giám sát kết nối, cung cấp thông tin dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Lĩnh vực thủy lợi, tự động đo độ mặn, mực nước các vàm, cống điều tiết nước; lắp đặt cột phòng chống giông sét (2 cột).
Có thể thấy rằng, CĐS trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh về phạm vi đã bao gồm hết các lĩnh vực; về chất lượng, từng bước đáp ứng theo nhu cầu của từng lĩnh vực và của toàn ngành nông nghiệp. Đạt được kết quả trên là nhờ đầu tư về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị của các doanh nghiệp: VNPT, Viettel, Công ty Cổ phần Mỹ Lan… nhất là sự vào cuộc của người dân trong xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp.
Nông dân thị xã Duyên Hải trồng hành tím áp dụng phương pháp tưới phun.
Bài ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN