Chia sẻ một số biện pháp trong cải tạo ao nuôi tôm giai đoạn đầu vụ
1. Xử lý bùn đáy ao:
Bùn đáy ao là nơi tập trung nhiều chất thải hữu cơ, hóa chất dư thừa, vi sinh vật có hại. Do đó, cần xử lý bùn triệt để, tránh các vấn đề ô nhiễm môi trường. Người nuôi nên dùng máy hút loại bỏ lớp bùn đáy bị ô nhiễm. Sau đó cần xử lý đáy áo bằng vôi đá (CaO) nhằm giúp khử trùng, nâng pH, khoáng hoá đáy ao với liều lượng sau:
pH đất |
Vôi đá (CaO)(kg/1.000m2) |
<5 | 500-300 |
5-5.4 | 300-200 |
5.5-6.0 | 200-100 |
6.1-6.5 | 100-70 |
>6.5 |
50 |
Sau khi bón vôi đá thì tuỳ theo điều kiện đất có thể bón thêm vôi dolomite, khoáng vi lượng,…giúp tăng độ kiềm và bổ sung dinh dưỡng cho ao nuôi.
Đối với các ao bạt sử dụng lại bạt từ các vụ nuôi trước thì người nuôi cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách xịt rửa bạt bằng vòi cao áp toàn bộ bề mặt bạt, sau đó dùng chlorine 5% tạt toàn bộ bề mặt của bạt và phơi trong 5-7 ngày trước khi tiến hành cấp và xử lý nước.
2. Xử lý nước ao:
Đây là khâu quan trọng để loại bỏ mầm bệnh, chất độc hại,…Khi cấp nước cần sử dụng túi lọc để hạn chế chất cặn bã và sinh vật có hại xâm nhập vào ao nuôi. Có thể dùng chlorine để diệt khuẩn và khử trùng nguồn nước. Liều lượng chlorine dùng từ 25-30ppm (25-30kg/1.000m3 nước) hoặc TCCA 20ppm (20kg/1.000m3 nước) sử dụng vào buổi tối để diệt tạp và diệt khuẩn nước ao. Sau 7 ngày tiếp tục xử lý nước bằng EDTA với liều 2-3kg/1.000m3 nước để khử kim loại nặng và độ cứng của nước (lưu ý cần chạy quạt liên tục trong thời gian xử lý nước để phân huỷ dư lượng chlorine có trong nước).
3. Gây màu nước trong ao nuôi:
Gây màu nước là bước giúp tạo ra môi trường sống phù hợp cho tôm và đảm bảo cân bằng hệ sinh thái trong ao. Màu nước thích hợp cho ao nuôi tôm thường có màu xanh lục nhạt hoặc màu nâu, màu nước lý tưởng sẽ làm hạn chế sự phát triển của tảo độc, vi khuẩn có hại, giúp cung cấp oxy, hấp thụ dinh dưỡng dư thừa và là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Gây màu nước bằng mật đường + cám gạo + bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ, liều lượng: 2-3kg/1.000m3 nước ao, tạt liên tục trong 3 ngày vào lúc 9-10 giờ sáng kết hợp bón vôi Dolomite 10-15kg/1.000m3 nước hoặc dùng mật đường + cám gạo + men bánh mì với liều lượng 200g đường đen hoặc mật đường + 3 kg cám gạo + 100g men bánh mì cho 1.000m3 (cám nấu chín để nguội cho mật đường, men ủ trong 24-30 giờ, hòa nước tạt khắp ao nuôi).
4. Kiểm tra và điều chỉnh chất lượng nước: việc theo dõi chất lượng nước là vô cùng quan trọng để duy trì môi trường sống lý tưởng cho tôm. Độ trong cần duy trì ở mức ổn định từ 30-40 cm. Nếu màu nước quá đậm (xanh đậm hoặc nâu sẫm), có thể là dấu hiệu của sự phát triển quá mức của tảo, gây thiếu oxy vào ban đêm và tạo ra độc tố. Nước trong ao phải đảm bảo độ mặn, độ pH và nồng độ oxy phù hợp. Độ pH lý tưởng là từ 7,5 đến 8,5, độ kiềm từ 80-150mg/l (đối với tôm sú) từ 120-180mg/l (đối với tôm thẻ chân trắng), độ mặn từ 5-25 0/00, hàm lượng oxy hoà tan >5mg/l, hàm lượng NH3 <0,1mg/l, H2S <0,03 mg/l. Các yếu tố môi trường cần được kiểm tra và duy trì ở ngưỡng thích hợp trước khi thả giống và trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm./.
Lê Thị Bích Thảo – Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh