Huyền Hội, huyện Càng Long là một trong những xã điển hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp với 20ha diện tích chuyên canh chanh không hạt và kết nối với Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, góp phần từng bước giảm nghèo, nâng lên trở thành hộ khá, giàu.
Nông dân Thạch Hạnh (phải) thu hoạch rau cần.
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: Huyền Hội là đơn vị tiên phong liên kết và áp dụng khoa học – kỹ thuật trồng chanh không hạt xuất khẩu. Qua 02 năm thực hiện thí điểm mô hình liên kết sản xuất chanh không hạt xuất khẩu tại Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí, ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội. Đến nay đã đến mùa thu hoạch và được Công ty The Fruit Republic – Hà Lan bao tiêu sản phẩm với giá hợp đồng ban đầu 10.000 đồng/kg và mua theo giá thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Từ nay đến năm 2025, xã được huyện chọn là một trong những xã quy hoạch thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và mở rộng diện tích trồng chanh không hạt 100ha tập trung ở ấp Giồng Bèn, Bình Hội, Trà On. Từ khi mô hình trồng chanh không hạt hình thành, thu nhập tăng gấp 10 lần so với trồng lúa, đời sống kinh tế của người dân trong xã nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ngày càng phát triển, góp phần đưa ấp Sóc và Lưu Tư hoàn thành chương trình xây dựng đạt chuẩn ấp NTM.
Điển hình như hội viên nông dân Nguyễn Văn Danh là hộ dân Khmer ở ấp Sóc, xã Huyền Hội thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt với lợi nhuận hàng năm đạt 60 – 70 triệu đồng/năm. Ông Danh cho biết: khởi nghiệp với diện tích đất lúa cha mẹ cho 02ha. Ban đầu gia đình ông chỉ độc canh cây lúa kết hợp với chăn nuôi heo, bò nhưng kinh tế gia đình vẫn giậm chân tại chỗ. Trồng lúa có năm được mùa thất giá, có năm thất giá được mùa, lợi nhuận bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/ha, có vụ lợi nhuận được 25 – 30 triệu đồng/ha. Còn chăn nuôi những năm đầu gặp thuận lợi, những năm sau bò, heo bị dịch bệnh, giá bán không ổn định, gần đây giá bò giảm mạnh, nên ông quyết định chuyển hướng kinh tế mới bằng cách chuyển 0,4ha đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Ông Danh cho biết thêm: từ lúc chuyển đổi trồng chanh đến nay khoảng 04 năm, chanh trồng khoảng 18 tháng cho thu hoạch, nhưng để đảm bảo chanh say trái và kéo dài tuổi thọ. 02 năm đầu ông tập trung chăm sóc, cắt tỉa những cành, nhánh và trái chanh non để nuôi dưỡng cây chanh đúng 02 năm bắt đầu thu hoạch. Với diện tích trên, chanh không hạt của gia đình hiện đang cho thu hoạch, bình quân 15 ngày thu hoạch 01 lần với sản lượng đạt 700kg và liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thời điểm thu hoạch cận Tết, Hợp tác xã thu mua với giá bán thị trường 29.000 đồng/kg. 06 tháng đầu năm 2023 giá chanh dao động 17.000 – 18.000 đồng/kg, hơn 01 tháng nay giá chanh sụt giảm còn 11.000 – 12.000 đồng/kg, nông dân vẫn đạt lợi nhuận cao. Chi phí từ lúc trồng chanh cho đến thu hoạch bình quân khoảng 15 triệu đồng/0,1ha. Đến nay thu hoạch khoảng 02 năm và đã thu hồi vốn ban đầu. Trong quá trình chanh cho trái, chi phí chăm sóc không nhiều nên mỗi đợt thu hoạch ông đạt lợi nhuận rất cao. Chanh không hạt cho trái rộ khoảng 04 tháng, những tháng còn lại cho trái ít lại nhưng sản lượng đạt khoảng 500 – 700kg/tháng, người trồng vẫn có nguồn thu nhập đáng kể. Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chanh không hạt, đồng thời đảm bảo thời gian chăm sóc chanh đạt hiệu quả cao ông quyết định dừng chăn nuôi heo và bán hết 08 con bò đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm 1,6ha, hiện chanh đang phát triển trên 06 tháng và tận dụng cỏ trong vườn chanh duy trì nuôi 02 con bò sinh sản. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định hiện ông đang xây dựng nhà cửa khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.
Khác với ông Danh, nông dân Thạch Hạnh, ấp Bình Hội, xã Huyền Hội chuyển đổi đất lúa sang trồng màu kết hợp với vườn dừa. Ông Hạnh cho biết: với gần 0,3ha đất trồng lúa, xa kênh mương, khả năng cấp thoát nước trong quá trình sản xuất lúa khó khăn mang lại hiệu quả thấp, nên ông quyết định phá đất lúa lên liếp trồng dừa kết hợp với trồng hoa màu. Tuy trồng màu cực công chăm sóc, thời gian ngắn nhanh cho thu hoạch, có nguồn thu ổn định thường xuyên hàng tháng, giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Với diện tích trên, ông trồng xoay vòng 02 chủng rau màu là hành lá và rau cần. Đây là 02 loại rau có giá ổn định trên thị trường và kéo dài thời gian thu hoạch khi rau màu “dội hàng đụng chợ”. Với phương pháp trồng màu và kinh nghiệm gần 10 năm, mỗi vụ màu gia đình ông đạt lợi nhuận từ 06 – 07 triệu đồng/0,1ha.
Theo ông Hạnh, giá hành và rau cần luôn dao động từ 10.000 – 17.000 đồng/kg, dịp lễ, Tết giá có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường, nên lợi nhuận rất cao. So với cây trồng khác, hành và rau cần từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 02 – 03 tháng, nếu hành lá, rau cần tốt, được giá thu hoạch nhanh hơn. Còn ngược lại giá thấp hoặc rau cần chậm phát triển thì ông chăm sóc bón phân nuôi dưỡng cho rau xanh tốt và tiến hành thu hoạch dần, với 0,2ha rau cần đang cho thu hoạch bình quân 10 – 20kg/ngày, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Với ông Hạnh, rau cần thu hoạch xoay vòng theo từng liếp rau, tùy theo liếp tốt hay xấu. Đối với 02 chủng rau này, nếu rau cần thu hoạch theo từng đợt, được giá thì tăng cường bón phân chăm sóc thu hoạch nhanh, còn giá giảm ít chăm sóc thu hoạch dần hàng ngày, đặc biệt là hành lá, ông có thể thu hoạch bán hết trong vòng vài ngày và có thể ương dưỡng hành giống trồng vụ sau, giảm chi phí ban đầu.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, mô hình chuyển đổi ở Huyền Hội đã và đang áp dụng khá nhiều địa phương. Tuy nhiên đối với mô hình chuyển đổi trồng chanh không hạt xuất khẩu là điển hình và một trong những thế mạnh của xã hiện nay, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương phát triển. Hướng tới, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo quy hoạch của huyện chuyển đổi 100ha, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xã tập trung tuyên truyền vận động người dân áp dụng phương pháp trồng hữu cơ hướng đến chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao như hiện nay. Đồng thời tham mưu đề xuất có chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp ngày càng bền vững hơn.
Nông dân Nguyễn Văn Danh (trái) chia sẻ kỹ thuật trồng và thu trái chanh không hạt với cán bộ xã.
Bài, ảnh: Ngọc Hân
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân