Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức triển khai có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ người dân Khmer với cách làm mới phù hợp điều kiện kinh tế từng hộ, góp phần giúp đồng bào Khmer vượt khó vươn lên ổn định đời sống.
Nông dân Kiên Rinh, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn chăm sóc đậu đũa.
Khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, trên địa bàn xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang xuất hiện những nông dân Khmer sản xuất kinh doanh giỏi với các mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả.
Điển hình như nông dân Kiên Rinh, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn đã tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm vươn lên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong năm qua. Ông Rinh cho biết: 06 năm trước, gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế dựa vào sản xuất 0,4ha lúa (02 vụ/năm). Sau đó, ông mạnh dạn chuyển đổi 0,2ha đất lúa gò cao sang trồng thâm canh cây màu như đậu đũa, dưa leo, bí đỏ, lợi nhuận đạt từ 05 – 15 triệu đồng/0,1ha tùy theo giá thị trường; 0,2ha đất lúa còn lại, vào mùa nắng trồng bí đỏ. Với ông Rinh, trồng bí đỏ lợi nhuận nhiều hơn trồng dưa leo và đậu đũa, trong thời gian chăm sóc bí đỏ, nguồn thu nhập từ việc thu hoạch bông bí bán đã thu đủ chi phí, đến cuối vụ thu hoạch trái bí, lợi nhuận đạt 15 triệu đồng/0,1ha cao gấp 03 lần so với cây trồng khác. Thời gian này, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng mua 02 con bò sinh sản hiện đang phát triển tốt. Với ông Rinh, tham gia vào Hội Nông dân, ông thường xuyên được tham gia học tập kinh nghiệm cũng như kiến thức ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo đồng chí Thạch Thị Diên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn, để giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 05 năm qua, Hội phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 155 cuộc tập huấn, hội thảo khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 2.632 người dân tham gia, trong đó có 1.574 hội viên nông dân. Qua đó, tuyên tuyền, vận động 143 hộ hội viên nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, trồng màu trong nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương… Bên cạnh đó, Hội phối hợp hỗ trợ cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất cho hội viên nông dân về phân bón, lúa giống, thức ăn chăn nuôi… nhằm kịp thời phục vụ sản xuất hiệu quả cho hội viên, nông dân tại địa phương.
Đa cách làm mới để nâng cao năng suất
Chính nhờ sự chịu khó, biết luân canh, xen canh, tăng vụ và hơn hết là ứng dụng khoa học – kỹ thuật canh tác hoa màu nghịch mùa để tăng giá bán cao hơn chính vụ. Nhờ áp dụng cách làm này, gia đình bà Thạch Nhanh, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải có nguồn thu nhập ổn định trong nhiều năm qua.
Ông Nhanh cho biết: từng là hộ nghèo của ấp, ngoài 0,1ha đất cha mẹ cho lúc ra riêng để canh tác, vợ chồng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, vợ chồng ông trồng rẫy chủ yếu rau cần, xen canh với hành lá, hẹ và luân canh từ 03 – 04 vụ/năm, lợi nhuận bình quân đạt từ 08 – 12 triệu đồng/0,1ha/vụ. Cùng với đó, ông được địa phương hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi đã tạo động lực, vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nhanh cho biết thêm: làm nghề nông nếu không biết kỹ thuật canh tác thì khó tránh khỏi thất bại. Chính vì thế, mỗi đợt xuống giống ông không ngừng đổi mới phương pháp canh tác, nhất là khâu xử lý đất, chăm sóc. Ngoài ra, thường xuyên học hỏi và đổi mới cách làm trên đồng ruộng để nâng cao năng suất và thu nhập. Để cây trồng thích nghi với thời tiết và thổ nhưỡng, mỗi vụ xuống giống ông bố trí, lên liếp xử lý đất và chọn trồng những cây màu có giá trị kinh tế cao. Mùa nắng, ông xuống giống trồng cà chua trước, sau đó xuống giống hành lá hoặc rau cải xen gốc cà với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài. Trồng rau ăn lá, thu hoạch nhanh, có thu nhập ổn định. Khi kết thúc vụ cà chua, ông trồng khổ qua hoặc dưa leo vào mùa nghịch vừa bán được giá cao, vừa nhẹ công tưới phun. Nhờ chí thú làm ăn, đời sống gia đình ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Phan Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Lạc cho biết: từng là xã nghèo, nên đời sống của người dân trong xã nói chung, đồng bào Khmer nói riêng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó việc sản xuất nông nghiệp cũng như làm kinh tế còn khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, xã đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật,… giúp người dân tham gia sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ đó đời sống người dân Khmer ngày càng thay đổi, phum sóc khởi sắc đáng kể. Năm 2022 thu nhập bình quân của xã đạt gần 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,31%.
Bà Thạch Thị Cô Sol, vợ ông Thạch Nhanh ở ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc thu hoạch rau cần.
Bài, ảnh: Kim Ngân
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân