Làm đất, trang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước
1. Làm đất Nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, sau khi thu hoạch lúa Thu Đông trước khi xuống giống ít nhất 15 ngày (cày bừa vùi rơm rạ, cỏ dại, trang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước kỹ), sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm giúp phân hủy rơm rạ, giúp giảm khả năng ngộ độ hữu cơ cho cây lúa.
– Khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp và địa phương, xuống giống đồng loạt, tập trung để né rầy, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng. Nhằm tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các khu vực xâm nhập mặn hàng năm.
2. Chuẩn bị giống: Các địa phương cần chú trọng lựa chọn các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, thích nghi với điều kiện hạn mặn.
– Nhóm giống lúa chủ lực thích ứng rộng, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM18,…
– Nhóm giống lúa bổ sung thích hợp một số vùng đặc thù, phù hợp tập quán canh tác, có thị trường hẹp: OM 429, RVT, ST20, ST24, ST25, ST5…
– Nhóm giống lúa chất lượng trung bình: IR50404, ML 202, OM576 (Siêu Hầm Trâu) duy trì với tỷ lệ không nên vượt quá 20% diện tích của tỉnh.
Gieo sạ lúa bằng máy sạ hàng và sạ cụm
– Khuyến khích pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm, lượng giống gieo sạ từ 70-100 kg/ha.
3. Phân bón: Sau khi gieo sạ, bón phân thúc sớm, bón cân đối dinh dưỡng và hợp lý giữa đạm, lân và kali, liều lượng sử dụng theo “Qui trình 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm”. Cần bổ sung thêm các sản phẩm có chứa Canxi và Silic giúp tăng cường sức khỏe cho cây lúa, giúp bộ lá đứng và cứng chắc hơn có tác dụng tăng khả năng quang hợp.
4. Quản lý nước: Ứng dụng tối đa các giải pháp tưới tiết kiệm nước; chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt. Áp dụng quy trình “ ướt khô xen kẻ”, giảm phát thải khí nhà kính. Không nên giữ nước ngập liên tục trong ruộng lúa suốt cả vụ sẽ dễ bị ngộ độc hữu cơ. Giai đoạn lúa trên 30 ngày tuổi thì rút cạn nước trong ruộng ra 5 – 7 ngày (khi ruộng có vết nứt chân chim) để hạn chế chồi vô hiệu, giảm ngộ độc hữu cơ, rễ lúa ăn sâu hơn hạn chế đổ ngã trong giai đoạn trổ – chín. Nên điều chỉnh lượng nước theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đảm bảo được việc quản lý cỏ dại, dịch hại và tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón.
5. Biện pháp phòng ngừa ngộ độc mặn:
– Xác định độ trước khi gieo sạ nhằm hạn chế thiệt hại cho cây lúa ở các giai đoạn sinh trưởng. Nếu độ mặn còn ở mức 1 – 2‰ thì chưa nên xuống giống.
– Kiểm tra chặt chẽ và củng cố đê, bờ bao ngăn mặn, sớm khắc phục những đê, bờ bao ngăn mặn bị hư hại, hạn chế nước mặn sẽ xâm nhập vào nội đồng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
– Đánh rãnh thoát nước rửa mặn, phèn, mỗi rãnh cách nhau khoảng 6 m.
– Trên những chân ruộng bị phèn và mặn tốt nhất là khi làm đất bón vôi, đưa nước vào ruộng cho vôi hòa ra đẩy mặn đi sau đó tháo nước ra, tăng cường phun phân bón lá có chất canxi, magiê, silic… để tăng sức đề kháng cho cây lúa;
6. Quản lý sâu bệnh: Thăm đồng thường xuyên phát hiện dịch hại sớm, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm giảm chi phí đầu vào. Không nên bón quá nhiều phân đạm gây hiện tượng lúa bị lốp, đổ ngã, dễ bị sâu bệnh tấn công. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo nguyên tắc 4 đúng. Theo dõi tình hình dịch hại thông qua bẫy côn trùng, trên điện thoại di động thông minh bằng ứng dụng “Mekong RYNAN” trong google play.
Ứng dụng Mekong Rynan
(Nguồn tài liệu tham khảo theo Thông báo số 646/TB-SNN ngày 12/11/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2024-2025).
Hà Tuấn