Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành), ông Trần Văn Chung không chỉ thực hiện tốt vai trò điều hành của mình với hợp tác xã và đưa hợp tác xã từ “con số O” nay trở thành 01 trong 03 hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhất của huyện Châu Thành. Với lòng say mê tìm tòi, sáng tạo, ông đã mạnh dạng đầu tư, cải tiến ra nhiều loại máy nông cụ giúp nông dân và thành viên hoạt động trong hợp tác xã giảm bớt sức lao động, nâng cao hiệu suất trong hoạt động ở các khâu cấy lúa, sấy lúa và vận chuyển…
Từ máy cấy lúa được “Kỹ sư nông dân” Trần Văn Chung cải tiến cho phù hợp vừa thực hiện cấy lúa ngắn ngày kết hợp chang mặt ruộng.
Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, ông kiên định với con đường mình đã chọn. Và những thành công của người “Kỹ sư nông dân” Trần Văn Chung là minh chứng thuyết phục mọi người. Ngoài sản xuất máy chang lúa “03 trong 01”; ông còn sáng chế, cải tiến máy cấy hàng thành “02 trong 01” với việc điều chính độ rộng, hẹp trong việc đưa lúa giống xuống và chang đất, đánh rãnh nước được nông dân rất ưa chuộng.
* Giúp lao động đỡ nhọc nhằn và tăng hiệu suất hoạt động của lò sấy lúa
Không ngừng sáng tạo đó là quyết tâm mà ông Trần Văn Chung luôn được mỗi người ví von “Kỹ sư nhà nông”, do điều kiện hoạt động của Hợp tác xã luôn phải phơi sấy lúa thường xuyên sau khi thu mua từ nông dân về. Trung bình mỗi mẻ của lò sấy lúa đạt khoảng 30 tấn/ngày đêm và đòi hỏi phải thường xuyên sử dụng lực lượng lao động từ 03-04 người. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hệ thống chang lúa trong lò sấy đã được “kỹ sư nông dân” Trần văn Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, giảm lao động xuống còn 01 người và khâu xúc, chuyển lúa sau khi sấy xong qua bộ phận tách bụi, làm sạch lúa hoàn toàn tự động 100% (trước đây khâu này cần 05 lao động/mẻ sấy lúa).
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Chung cho biết: trong sấy lúa, phần trở lúa trong lò sấy là tốn thời gian và lao động nhiều nhất. Với chi phí đầu tư làm hệ thống chang lúa tự động khoảng 80 triệu đồng, khi đưa vào vận hành, hợp tác xã tiết kiệm khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/mẻ lúa.
Tùy vào độ ẩm của lúa khi đưa vào lò sấy, trung bình 01 mẻ lúa sấy 30 tấn phải thường xuyên cào trở lúa (05-06 tiếng/lần cào trở lúa) và cần 02 lao động (trên 02 tiếng/lao động). Với hệ thống chang lúa hoàn toàn tự động được ông Trần Văn Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, chỉ cần 01 lao động đảm nhận công việc điều khiển để thực hiện cào trở lúa.
Sau khi lúa đã sấy đạt độ ẩm theo yêu cầu; hệ thống chang lúa sẽ thực hiện cào gom lúa đã sấy để đưa vào hệ thống miệng thu gom. Từ miệng thu gom, sẽ được trục xoay hình xoắn ốc tiếp tục đưa lúa vào bể chứa để giê, tách hạt lép, vệ sinh lúa cho sạch và sau đó chuyền qua ống dẫn xuống bao để công nhân thực hiện công đoạn cân, may đóng bao.
* Cải tiến máy cấy lúa thành “02 trong 01”
Do nhu cầu trong sản xuất giống của hợp tác xã hàng năm rất lớn (trên 300ha) và hỗ trợ cấy thuê cho bên ngoài hợp tác xã; trong khi đó, do điều kiện các vùng đất trồng lúa của tỉnh thường có độ lún cao và sử dụng các giống ngắn ngày, nên tỷ lệ nở bụi cũng phải phù hợp với khoảng cách trong quá trình cấy lúa. Trong khi đó, máy cấy lúa tay của các công ty máy cơ khí sản xuất bán ra ngoài thị trường có khoảng cách (bụi cách bụi; hàng cách hàng khá lớn 25cm).
Từ những hạn chế của máy cấy tay trên, trong vụ lúa đông-xuân năm 2022-2023, ông Trần Văn Chung đã nghiên cứu và mạnh dạn tháo rời các bộ phần gieo hạt của máy cấy tay để thay thế bộ trục có khoảng cách phù hợp với lúa ngắn ngày (từ 25cm giảm còn 20cm).
Ông Trần Văn Chung chia sẻ: qua nhiều lần thử nghiệm, thay hết trục này đến trục khác để có 01 khoảng cách phù hợp cho máy cấy khi chạy trên mặt ruộng để hạt lúa giống rơi xuống không bị gió tạt, làm lệch hàng. Ngoài ra, khi máy cấy hoạt động trên ruộng thường tạo ra 02 rãnh sâu từ bánh xe để lại, làm cho lúa rơi xuống đường rãnh bánh xe và hạt lúa ngập sâu, không nẩy mầm được…
Với những nhược điểm trên của máy cấy tay, được cải tiến và gắn thêm 01ống trục nằm ngay phía sau bánh xe và phía trước các hộc để lúa giống, với nhiệm vụ vừa chang mặt ruộng bằng phẳng ngay phía sau bánh xe khi di chuyển để lại, đồng thời giúp nông dân trong quá trình vừa sạ giống vừa chang mặt ruộng cho bằng phẳng, hạn chế việc có quá nhiều rãnh nước trên mặt ruộng làm cho hạt giống lúa dễ úng, chết…
Với niềm say mê nghiên cứu của mình cùng với tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện vai trò của 01 giám đốc Hợp tác xã, ông Trần Văn Chung được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.
Ông Trần Văn Chung bên máy chang lúa “03 trong 01” đảm nhận: rải lúa vào sàn sấy; tráo lúa và thu gom lúa sau sấy đưa vào dây chuyền hút.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân