Đây là mô hình sinh kế bền vững có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và các thực tiễn đã được Hội Nông dân xã Long Đức, thành phố Trà Vinh kết hợp với UBND thành phố Trà Vinh triển khai thực hiện từ tháng 8/2019 – 7/2022). Mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả và thành công nhất định cho cộng đồng và chính quyền địa phương Long Đức trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong sản xuất để thích ứng cao với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nông dân Phạm Hoàng Ân, ấp Phú Hòa, xã Long Đức kiểm tra kích cỡ ốc nuôi.
Thành phố Trà Vinh triển khai thực hiện dự án này trong thời gian 02 năm với 68 mô hình sinh kế: trồng nấm bào ngư, nuôi lươn, nuôi ốc bươu đen, nuôi ếch tập trung ở Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Riêng địa bàn xã Long Đức thực hiện 03 mô hình nuôi ốc, nuôi lươn, nuôi ếch. Các mô hình này tạo sinh kế lớn, đặc biệt là người nghèo, đồng bào Khmer,… Qua đánh giá, mô hình nuôi ốc bươu đen có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi và phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng triển khai dự án. Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này cần tổ chức các chuyến tham quan vùng nuôi lớn, tọa đàm liên kết chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tăng cường cập nhật kiến thức mới. Còn mô hình nuôi lươn nếu kết hợp kinh nghiệm và kỹ thuật mới trong việc nuôi và chăm sóc khá thuận lợi. Mô hình nuôi ếch, nuôi lươn cần hỗ trợ nhiều hơn trong khâu thiết kế, chăm sóc và thu hoạch.
Trong những ngày giáp tết, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ếch của hội viên nông dân Dương Văn Cho, ở ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh là một trong những mô hình thực hiện thành công. Ông Cho cho biết: tham gia thực hiện mô hình từ tháng 7/2022 đến nay, gia đình ông được dự án hỗ trợ 2.000 con ếch giống, ông thả nuôi trong 02 vèo (mỗi vèo từ 18m2). Sau 54 ngày thu hoạch lần đầu, giá bán 45.000 đồng/kg, thu nhập 08 triệu đồng, đợt kế tiếp ông tiếp tục chăm sóc và cho thu hoạch vào dịp Tết. Thu hoạch bán vào dịp Tết giá cao hơn ngày thường. Sau khi tham gia mô hình này, ông Cho nhận thấy đây là dự án không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, sắp tới ông sẽ mở rộng mô hình này kết hợp với nuôi cá rô nhằm hạn chế rủi ro, cải thiện môi trường nước, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Hay mô hình nuôi lươn của nông dân Dương Văn Tuấn, ấp Sa Bình, xã Long Đức được dự án tài trợ 2.500 con giống. Sau 10 tháng nuôi đã thu hoạch với sản lượng 380kg, giá bán 120.000 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng. Theo ông Tuấn, phần lớn thức ăn của lươn mua ngoài tỉnh nên chi phí khá cao, nhưng đầu ra sản phẩm lươn thương phẩm có giá trị trên thị trường. Để mô hình này mang lại hiệu quả bền vững cho người dân, các cấp, các ngành và địa phương cần tạo mối liên kết hợp tác đầu ra để nông dân an tâm sản xuất khi nhân rộng mô hình.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của nông dân Phạm Hoàng Ân, ấp Phú Hòa, xã Long Đức hiện đang phát triển tốt và thu hoạch vào thời gian cận Tết. Ông Ân cho biết: sau khi nhận 6.250 con ốc bươu đen giống thả nuôi trên diện tích vườn cây ăn trái 0,3ha. Mỗi mương của vườn cây ăn trái, ông thiết kế 03 – 04 vèo thả nuôi ốc bươu đen. Đối với mô hình của dự án tài trợ, ông thiết kế 04 vèo trên diện tích mặt nước 80m2 và thả bèo trên mặt nước tạo bóng mát cho ốc bươu và ốc hiện đang phát triển tốt. Theo ông Ân, trước khi tham gia mô hình của dự án, ông tự đầu tư thả nuôi 03 vèo ốc bươu đen và đang cho thu hoạch mỗi ngày vài ký bán với giá 50.000 đồng/kg tại chợ địa phương. Tương lai mô hình nuôi ốc bươu đen liên kết đầu ra ổn định trên thị trường với số lượng lớn, người dân địa phương tham gia ngày càng nhiều. Ốc bươu đen chi phí đầu tư thấp, trong quá trình phần lớn ông tận dụng các phụ phẩm trái cây trong vườn như chuối, đu đủ, mít… phục vụ ốc nuôi.
Theo đồng chí Trần Thanh Khoa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Đức cho biết: Các mô hình của dự án hiện nay chưa có liên kết, phần lớn sản phẩm của các mô hình tiêu thụ tại chợ địa phương. Thời gian tới, xã phối hợp với UBND thành phố Trà Vinh và các ngành liên quan tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất với số lượng và chất lượng theo nhu cầu có ký kết hợp đồng đầu vào, đầu ra và xây dựng phương án đánh giá rủi ro cho từng mô hình. Đồng thời nhân rộng các mô hình theo thứ tự như sau: mô hình nuôi ốc bươu đen ưu tiến nhân rộng I; mô hình nuôi lươn ưu tiên nhân rộng II; mô hình nuôi ếch ưu tiên nhân rộng III. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình nuôi ếch cần xây dựng phương án đề phòng bệnh phổi, bệnh về ký sinh trùng trên da và có giải pháp hạn chế mưa lùa vào mùa mưa. Nắng nóng và nhiệt độ cao hầu như điều tác động đến tất cả các mô hình, do đó cần có giải pháp giảm nhiệt độ theo hướng sinh thái những vật dụng sẵn có như thả bèo tai tượng để thực hiện mô hình nuôi ốc; dùng lá dừa che nắng mưa để nuôi ếch.
Ngoài ra, cần tập huấn hỗ trợ kỹ thuật tại mô hình trong những vụ đầu triển khai, hướng dẫn cách theo dõi thu thập và phân tích những hiện tượng bất thường trong mô hình. Ghi chép nhật ký sản xuất để rút ra kinh nghiệm, từ đó có giải pháp khắc phục rủi ro thiệt hại; hỗ trợ liên kết đầu vào đầu ra bền vững. Hình thành vùng nguyên liệu làng nghề tập trung tránh dàn trải và hướng đến sản phẩm OCOP cho địa phương. Các sản phẩm có thể hướng đến như ốc bươu đen gác bếp, ốc bươu ướp sa tế; chả ốc bươu; dồi ốc; lươn thịt VietGAP; ếch thịt VietGap; đùi ếch hút chân không, chà bông ếch, chả ếch… Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thiết kế nhãn mác, bao bì công nghiệp, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ trí tuệ cho các sản phẩm trên khi sản xuất thành công.
Bài, ảnh: Kim Ngân
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân