Nông dân xã Đức Mỹ thu hoạch lác
Để vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hội thảo, dạy nghề, tham quan… Qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Toàn tỉnh hiện có trên 129 ngàn hội viên nông dân, sinh hoạt tại 732 chi Hội, với 3.456 tổ Hội; 103/106 đơn vị cấp xã, phường có tổ chức Hội Nông dân. Những năm qua, xác định tái cơ cấu nông nghiệp là thúc đẩy phát triển toàn diện “tam nông”, Hội Nông dân phối hợp với các tổ chức tín dụng chuyển tải vốn đến hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, là giải pháp để tập hợp nông dân tham gia và gắn bó với tổ chức Hội.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, có sự hỗ trợ tích cực từ việc chuyển tải vốn kịp thời, thông qua thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về vốn chính sách tín dụng ưu đãi. Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi về thực hiện ủy thác cho vay, Hội Nông dân các cấp tuyên truyền để hội viên hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của người vay để tái cơ cấu nông nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nông dân trong tỉnh đã chú trọng tập trung sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thị trường. Qua đó, góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện, Hội Nông dân phối hợp với NHCSXH trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cho vay thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nguồn vốn ủy thác của NHCSXH do Hội Nông dân quản lý đạt được những kết quả đáng trân trọng. Những năm đầu nhận ủy thác từ NHCSXH, nguồn vốn tăng trưởng của Hội hàng năm từ 06 – 07 tỷ đồng, kết hợp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, đến nay tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý 875 tổ, với 37.528 hộ vay vốn, dư nợ 1.063 tỷ đồng; có 100% Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã ký văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với NHCSXH; chất lượng tín dụng do Hội quản lý không ngừng nâng lên qua các năm, trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Từng bước khẳng định vai trò của nông dân quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Tiêu biểu là năm 2022 từ nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân NHCSXH đã giải quyết cho hộ nông dân vay vốn thực hiện mô hình “Nông dân khởi nghiệp” đã đầu tư 20 dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, giải quyết việc làm cho 310 lao động tại địa phương, với số tiền giải ngân 9,870 tỷ đồng thực hiện các mô hình sản xuất như nuôi lươn không bùn (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang), trồng lúa kết hợp nuôi tôm (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú), du lịch sinh thái (An Phú Tân, huyện Cầu Kè), nuôi dê sinh sản (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải), trồng hoa kiểng (xã Long Đức, TPTV), trồng lác và dệt chiếu (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), nuôi vọp (xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải)… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Hoàng Phi, Phó Giám đốc NHCSXH chia sẻ: triển khai các chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng, giúp các hội viên đoàn thể, trong đó có hội nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Từ đó, giúp nông dân có điều kiện vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.
Để phát huy những kết quả đạt được về tái cơ cấu nông nghiệp, với vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong công tác phối hợp với các đoàn thể, địa phương và hội viên nông dân là quyết định. Thời gian tới Hội Nông dân các cấp sẽ đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến cho hội viên nông dân biết về mục đích ý nghĩa của tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi dành cho nông dân sử dụng vốn tái cơ cấu nông nghiệp; Hội tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật nhằm giúp hộ vay áp dụng vào sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp để nhân rộng mô hình sản xuất, “Nông dân khởi nghiệp”, tập trung ưu tiên những vùng, khu vực trọng điểm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, XDNTM hiệu quả.
Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhằm hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, với quy mô lớn, triển khai nhiều dự án, hoạt động hỗ trợ sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, ổn định, bền vững.
Nông dân xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang trồng hẹ bằng phương pháp tưới phun hiệu quả.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN