Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 phong trào trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Trên địa bàn phường 7, phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, giúp cho nông dân tăng thu nhập, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Đoàn Văn Ninh (phải) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân phường 7 về kỹ thuật trồng thanh long
Điển hình như hội viên Đoàn Văn Ninh, ngụ khóm 7, phường 7, TPTV là một trong những gương điển hình trong thực hiện phong trào này. Đến thăm vườn thanh long đang cho trái và được nghe kể về cơ duyên với loài cây này đến với gia đình ông là cả một quá trình học hỏi, cần mẫn và quyết tâm. Vốn là người chịu khó, ham học hỏi, ông luôn trăn trở làm gì để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Với diện tích hơn 02 ha đất nông nghiệp, trước đây gia đình ông chủ yếu là trồng nhãn, song thu nhập thấp, không ổn định, ông đã mạnh dạn nghiên cứu kỹ thuật chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhận thấy cây Thanh long có năng suất kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu và vùng đất của địa phương, với quyết tâm đưa Thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Ông chia sẻ: năm 2016 ông bắt tay xây dựng mô hình trồng Thanh long ruột đỏ. Để mô hình này mang lại hiệu quả cao, gia đình ông chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, lựa chọn cây giống, thuê nhân công… tổng chi phí ban đầu thực hiện mô hình khoảng 273 triệu đồng. Trong quá trình chăm sóc, bằng kinh nghiệm và kỹ thuật vốn có và sự tìm tòi học hỏi từ các địa phương khác cũng như qua báo đài, ông luôn theo dõi sự phát triển của cây, để tìm ra hướng cho cây phát triển tốt hơn, sau một thời gian chăm sóc vườn thanh long phát triển tốt và cho trái đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận, ông Ninh được Hội Nông dân phường cho vay vốn 30 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình. Từ khâu bón phân đến diệt cỏ, trừ sâu bệnh, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác được ông nghiên cứu rất kỷ, đến nay ông đã có kinh nghiệm về trồng và chăm sóc vườn thanh long, năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạch tăng lên. Đến thời điểm này, gia đình ông có hơn 3.000 trụ thanh long với trên 12.000 cây thanh long, cho thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 90 tấn trái, với giá bán trung bình 15.000 – 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi khoảng 700 triệu đồng/năm. Cây Thanh long ruột đỏ là cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Tuy nhiên khoản đầu tư ban đầu là tương đối lớn về giống cây và trụ bê tông, sau đó hàng năm có thể cắt cành giâm làm giống, cây trồng khoảng 1 năm sẽ cho trái. Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống đèn để xông cho thanh long cho trái nghịch mùa, do đó vườn thanh long của ông Ninh luôn chủ động trong việc cho ra hoa và thu hoạch trái. Tuổi thọ của cây từ 07 – 10 năm tùy theo công chăm sóc. Những nỗ lực vươn lên không ngừng của ông Đoàn Văn Ninh trong phát triển kinh tế được ghi nhận khi giờ đây ông đã có kinh tế vững vàng, cuộc sống gia đình sung túc bên căn nhà được xây dựng khang trang và hơn hết là những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được ông chia sẻ cho bà con cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Ninh luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, tạo được uy tín trong nhân dân; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất kinh doanh. Hộ ông được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố nhiều năm liền.
Nhằm nhân rộng mô hình cũng như việc đưa cây Thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn phường, trong thời gian tới, phường 7 tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các buổi tập huấn và tham quan học tập kinh nghiệm, bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện vay vốn cho các hộ gia đình để đầu tư chuyển đổi giống cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ninh là mô hình mới trên địa bàn phường, mang lại hiệu quả tương đối cao, phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ sản xuất của bà con, bước đầu mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ninh đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình và cần được nhân rộng./.
Bùi Thị Tím
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân