Theo báo cáo của đơn vị được giám sát, đến nay, huyện đã thực hiện chi trả cho 32.312 người thuộc các nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ với tổng kinh phí hơn 45,8 tỷ đồng (trong đó có 969 người bán lẻ vé số với tổng kinh phí hơn 1,45 tỷ đồng); có 03 nhóm chính sách không có phát sinh hồ sơ gồm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch và yêu cầu về giản cách xã hội nên quá trình rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng còn gặp nhiều khó khăn, từng lúc còn chậm so với tiến độ và yêu cầu…
Kết luận buổi làm việc, ông Kiên Banh đánh giá cao về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chính sách của huyện, nhất là kịp thời chi trả chính sách hỗ trợ cho các trường hợp thụ hưởng; đồng thời rà soát, bổ sung các đối tượng còn thiếu, còn sót, nhất là phát hiện 1.515 đối tượng bị trùng và nộp trả lại ngân sách với tổng số tiền gần 2,157 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND huyện Tiểu Cần và các cơ quan tham mưu cần tiếp tục quan tâm công tác rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ở địa phương để đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với tay người dân, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh dư luận không tốt trong xã hội; đồng thời thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình, thủ tục thanh quyết toán theo quy định.
Theo kế hoạch, ngoài huyện Tiểu Cần, Đoàn giám sát còn giám sát trực tiếp đối với UBND huyện Châu Thành; bên cạnh đó, giám sát gián tiếp (qua nghiên cứu báo cáo) đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố còn lại trong tỉnh.