Cung cấp đầy đủ nước và phân bón cho cây phát triển tốt trước khi xử lý ra hoa
1. Giai đoạn S1 (SUNG): Trước khi xử lý cho cây ra hoa, cần cắt tỉa, bổ sung phân chuồng và phân N,P,K, cung cấp đầy đủ nước để cho cây xanh tốt, tạo cành nhánh mới, cho năng suất và chất lượng trái tốt hơn. Chăm sóc cho cây “sung” tốt trước giai đoạn làm hoa mang ý nghĩa rất quan trọng cho việc đậu trái, nuôi trái và sự phát triển tích cực của cây trong những năm tiếp theo của quá trình khai thác trái. Việc khai thác liên tục bỏ qua hoặc không quan tâm đúng mức vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng trái, giảm năng suất và tuổi thọ cây rất lớn.
2. Giai đoạn S2 (SUY): Đây là quyết định cho cây phân hóa mầm hoa để ra hoa. Cần áp dụng biện pháp phải làm cho cây “suy” trong giới hạn cho phép. Cây ăn trái sinh trưởng phát triển tốt cần 3 yếu tố: Nước, Đạm, GA3 (Gibberellic Acid). Khi không siết nước, cây sẽ tiếp tục hấp thụ nước và dinh dưỡng để phát triển cành, lá non. Điều này làm cây khó tập trung năng lượng để phân hóa mầm hoa. Vì vậy, muốn cây “suy” để phân hóa mầm hoa thì cần phải:
– Tạo khô hạn (hay còn gọi là xiết nước): Là yếu tố quyết định để cây ra hoa, Trong giai đoạn tạo mầm hoa (hay giai đoạn phân hóa mầm hoa) việc siết khô nước là một kỹ thuật quan trọng trong quy trình chăm sóc cây, nhằm kích thích cây chuyển từ giai đoạn sinh trưởng (phát triển lá, cành) sang giai đoạn sinh sản (ra hoa, tạo trái). Chính vì vậy, ở vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt. Tuỳ vào sinh trưởng của cây sẽ có sự hình thành hoa khác nhau và có thời gian cần khô hạn khác nhau. Thời gian ngưng tưới có khi phải trên 40 ngày nếu cây quá xanh tốt, yếu tố phân hóa mầm hoa khó khăn vì cây tơ. Trên thực tế, thời gian tạo khô hạn từ 7 – 20 ngày tuỳ thuộc vào độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá mà quyết định tưới nước trở lại. Nhưng qua quan sát chưa đạt về thời gian dự tính để phân hóa mầm hoa thì tưới ít nước lại để giữ cây không quá suy nhưng vẫn mang tính ức chế để cây phân hóa mầm hoa.
Rút nước trong mương và đậy gốc tạo điều kiện thuận lợi cho cây phân hoá mầm hoa
– Đạm: Khi xử lý ra hoa, không nên bón phân, tưới phân hay phun phân qua lá có chứa chất đạm (N), hai chất dinh dưỡng lân (P) và Kali (K) mới là yếu tố quan trọng để giúp cây phân hóa mầm hoa. Ngoài ra các nguyên tố vi lượng (Zn, Cu, Mn, B và Mo) cũng cần thiết tới việc hình thành mầm hoa. Vì vậy chọn sản phẩm có chứa lân (P) và Kali (K) để phun xịt có lợi cho việc phân hóa mầm hoa. Thời điểm bón phân được tiến hành trước khi siết nước 7-10 ngày để phân được thấm vào đất cho rễ hút. Đối với MKP phun ngay thời điểm siết nước và nếu cây quá tốt hoặc xử lý trong mùa mưa thì nên phun lặp lại 5-7 ngày sau lần phun đầu tiên, theo liều lượng khuyến cáo và tùy vào tuổi cây. Trong trường hợp cành mang hoa quá suy cần lựa chọn phân bón NPK (10-60-10) hoặc phối hợp cả NPK (10-60-10) cùng MKP (0-52-34) để vừa giúp cành mang hoa phát triển, vừa kích thích cây phân hóa mầm hoa.
Bón phân không cân đối, bón đạm (N) cao kích thích sự sinh trưởng quá nhiều làm cây ra chồi dẫn đến khó ra hoa, nhưng thiếu đạm nghiêm trọng thì sẽ cho ra ít hoa. Đạm phù hợp ở mức thấp để đảm bảo phân hóa mầm hoa và phù hợp thì có thể cho một lượng hoa trung bình nhưng có sự đậu trái rất tốt. Vì vậy, trong thực tế, cần xử lý ra hoa vừa phải, hợp lý với khả năng nuôi quả của cây, chứ không xử lý ra quá nhiều hoa, dễ dẫn đến cây bị suy kiệt ảnh hưởng đến năng suất về sau.
– Gibberellic Acid (GA3): Là chất điều hòa sinh trưởng, trước và ngay khi xử lý ra hoa, không được phun GA3 hoặc các chế phẩm có chứa GA3 vì nó có thể gây trở ngại cho việc phân hóa mầm hoa.
3. Giai đoạn S3 (SUNG): Sau bước “suy” cần chăm sóc phục hồi cho cây phát triển tốt trở lại. Sau khi cây ra phát hoa, cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây và tiến hành giai đoạn nuôi trái. Giai đoạn khi cây đậu trái, bón phân cân đối giữa đạm (N), lân (P), kali (K), không nên bón quá nhiều phân đạm, tăng cường bón kali trước khi thu hoạch 1-2 tháng giúp màu sắc và chất lượng trái ngon hơn.
Hà Tuấn