Hình ảnh hộ nuôi chia sẽ kinh nghiệm về quản lý môi trường ao nuôi
Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND): bệnh xảy ra quanh năm nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 7 khi môi trường ao nuôi có nhiệt độ cao, pH cao và độ măn cao, đáy ao tích tụ nhiều chất hữu cơ. Bệnh do do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra nên có thể điều trị, tuy nhiên việc điều trị bệnh cho tôm thường tốn kém và không hiệu quả (do tôm thường bỏ ăn). Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có thể tồn tại trong môi trường nước các trại tôm giống và tôm thương phẩm. Cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi. Kết quả giám sát chủ động cũng phát hiện bệnh AHPND trên tôm giống, do vậy người nuôi cần phải ưu tiên và quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y hoặc tôm có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng thức ăn chất lượng cao, liều lượng phù hợp để hạn chế tối đa chất hữu cơ trong dư thừa trong ao nuôi
Bệnh đốm trắng (WSD): khả năng gây bệnh cả trên tôm sú và thẻ chân trắng chủ yếu trong giai đoạn từ 35-60 ngày tuổi. Trong đó Kiên Giang là tỉnh có diện tích mắc bệnh cao nhất với 279ha, sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu,…. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đốm trắng, bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị bệnh; biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh, đặc biệt thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, quản lý tốt môi trường nước trong ao nuôi, kiểm soát vật trung gian như giáp xác (cua còng, tép….). Vi rút đốm trắng đã lưu hành tại rất nhiều vùng nuôi, xuất hiện cả trong các trại tôm giống, tôm thương phẩm, trong các mô hình nuôi và trên các loài giáp xác tự nhiên; người nuôi cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi. Kết quả giám sát chủ động cũng phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm giống (tỷ lệ thấp), do vậy người nuôi cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở ATDB hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y hoặc tôm có nguồn gốc rõ ràng.
Chậm lớn do còi và vi bào tử trùng: Bệnh còi do vi rút MBV và bệnh do vi bào tử trùng EHP – là dạng bào tử sống ký sinh nội bào nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh, trong đó cần lưu ý khử trùng các dụng cụ nuôi, loại bỏ nhuyện thể hai mảnh vỏ, xử lý nguồn nước cấp và sử dụng tôm giống từ cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính với bệnh. Trong quá trình nuôi cần thực hiện giám sát chủ động tác nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Nước thải trong quá trình nuôi nhiễm EHP cần được xử lý trước khi xả ra môi trường.
Bệnh phân trắng hay còn gọi là phân trắng teo gan với các dấu hiệu phân tôm có màu trắng nổi trên mặt nước và gan tôm bị teo, nhạt màu hoặc nhũn. Đối với các tỉnh đồng sông Cửu long bệnh xuất hiện từ năm 2006 (Đặng Thị Hoàng Oanh và CTV, 2008). Nguyên nhân gây bệnh được xác định như do vi khuẩn Vibrio, các loại vi rút gây tổn thương gan, tụy, nhóm trùng 2 tế bào, nhiễm độc tố (Aflatoxin) từ thức ăn, độc tố các loại tảo như tảo lam, tảo đỏ làm tê liệt và phá vỡ tế bào thành ruột gây bệnh phân trắng, mật độ thả nuôi cao, …Bệnh gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau với diện tích 564,71 ha. Bệnh xuất hiện quanh năm và cao điểm nhất vào giai đoạn giao mùa, phổ biến nhất trong giai đoạn tôn nuôi khoảng 1,5-2 tháng tuổi. Do đó trước khi thả nuôi cần tiến hành xử lý triệt để chất hữu cơ, bạt lót ao, nguồn nước cấp, kiểm soát tốt chất hữu cơ bằng cách quản lý tốt nguồn thức ăn, bổ sung các chất tăng cường sức đề kháng cho tôm như Vitamin C, khoáng, xi phong đáy ao định kỳ, sử dụng men vi sinh chuyên dụng cho xừ lý đáy ao.
Hiện nay, dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp để đảm bảo hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm theo quy định. Thực hiện nghiêm các quy định về khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh ra môi trường./.
(Nguồn tài liệu hội nghị phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024)
Lê Thị Bích Thảo – Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh