1. Chức năng:
Cơ quan Hội LHPN tỉnh có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Hội, công tác Hội; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Hội theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
2. Nhiệm vụ:
– Nghiên cứu, đề xuất chủ trương, nghị quyết, chương trình phối hợp, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp, phong trào Phụ nữ theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và chỉ đạo của Hội cấp trên. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
– Nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích, nhiệm vụ của Hội và cán bộ, công chức trong cơ quan; Sơ, tổng kết công tác Hội và phong trào Phụ nữ theo phân công, phân cấp và theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
– Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp Hội tại địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình phối hợp, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp; nghiệp vụ công tác Hội và phong trào Phụ nữ; tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Hội; Điều lệ Hội LHPN Việt Nam, quy định của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật.
– Giúp Ban Thường vụ và Thường trực Hội LHPN tỉnh quản lý, điều hành, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ quan, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ và Thường trực Hội LHPN tỉnh giao.
3. Quyền hạn:
3.1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn:
– Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
– Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
– Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ;
– Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
– Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3.2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
– Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp;
– Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định;
– Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3.3. Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
– Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ; xử lý các công việc hàng ngày của cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp;
– Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ cùng cấp;
– Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình; quyết định thành lập, giải thể các ban, đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn thuộc cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.
4. Bộ máy hệ thống cấp tỉnh:
– Cơ quan cấp tỉnh: 15 người (đảng viên 15, nữ 15, dân tộc 04)
– Ban lãnh đạo: 04 người.
+ Trưởng: 01.
+ Phó: 03.
– Ban Thường vụ ( 07 người) ; Ban Chấp hành (10 người)
– Các bộ phận trực thuộc Cơ quan:
+ Văn phòng – Tổ chức.
+ Ban Tuyên giáo – Chính sách Luật pháp.
+ Ban Gia đình Xã hội – Kinh tế.
– Tổng số cán bộ cấp huyện 35 (nữ 35, dân tộc 04).
– Tổng số cán bộ cấp xã (nữ 212, dân tộc 43).
– Tổng số hội viên toàn tỉnh: 202.351 hội viên/291.072 phụ nữ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện vào Hội.
5. Các phong trào, mô hình, hoạt động tiêu biểu:
– Thực hiện phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Trà Vinh năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình“có sức khỏe, có đạo đức, có kiến thức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội” góp phần “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; phong trào Dân vận khéo, vận động phụ nữ tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của Phụ nữ Trà Vinh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh giá trị truyền thống áo dài Việt Nam.
– Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, thực hiện tiêu chí “5 có” (có ngôi nhà an toàn; có sinh kế bền vững; có sức khỏe; có kiến thức; có nếp sống văn hóa), tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
– Thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình quốc gia truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.
– Thực hiện 02 đề án: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 – 2025.
– Triển khai thực hiện 02 khâu đột phá về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động Hội” và“Đa dạng hóa phương thức hoạt động, xây dựng chi, tổ Hội vững mạnh”. Tăng cường triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ hội, công đoàn cơ sở giai đoạn 2021 – 2025” của Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh trong hệ thống Hội.
– Thực hiện chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường kết nối các hoạt động tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động đỡ đầu đơn vị xã và Thông báo số 111-TB/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cơ quan, đơn vị ngành tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu đơn vị xã.
– Vận hành theo cơ chế liên thông, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành hoạt động Hội và quản lý hội viên. Triển khai thực hiện đồng bộ, nhất quán trong hệ thống Hội bộ nhận diện Hội LHPN Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền làm thấm nhuần và lan tỏa các giá trị cốt lõi của tổ chức Hội đến từng cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thường xuyên, định kỳ và đột xuất kiểm tra, giám sát phong trào phụ nữ, hoạt động Hội.
– Tiếp tục duy trì, nhân rộng các loại hình tập hợp phụ nữ, đa dạng hóa các nội dung, phương thức hoạt động Hội theo phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; tăng cường kết nối qua không gian mạng, chú trọng vận động, thu hút hội viên thông qua các chương trình, hoạt động phối hợp. Tiếp tục hỗ trợ các địa bàn khó khăn trong công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên.
6. Một số thành tích tiêu biểu đã qua:
+ 03 Cờ thi đua của TW Hội LHPN Việt Nam tặng thành tích đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 03 năm liền (2019-2021).
7. Một số mối quan hệ, cơ cấu:
+ Có 03 lãnh đạo Hội LHPN tỉnh là đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.