Cày ải phơi đất, canh tác lúa Hè Thu 2024 an toàn với hạn, mặn
Theo thông báo số 174/TB-SNN-TTBVTV ngày 28/3/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành lịch xuống giống lúa vụ Hè Thu năm 2024 là 68.000 ha, khung thời vụ xuống giống lúa chung cho toàn tỉnh được chia làm 2 đợt, bắt đầu từ ngày 02/4/2024 đến ngày 20/5/2024.
Đợt 1: Xuống giống từ ngày 02/4 – 25/4/2024 nhằm ngày (24/2 – 17/3/2024 âm lịch) xuống giống tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, trên tổng diện tích 11.462 ha.
Đợt 2: Xuống giống từ ngày 05/5 – 20/5/2024 nhằm ngày ( 27/3 – 13/4/2024 âm lịch) xuống giống các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh và tập trung xuống dứt điểm diện tích còn lại của các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành trên tổng diện tích 56.538 ha.
Để đảm bảo vụ sản xuất lúa Hè Thu 2024 được an toàn hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn đầu vụ, nông dân cần chủ động thực hiện một số giải pháp sau:
– Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng ruộng sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 – 2204 trước khi xuống giống ít nhất 2 tuần, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ giúp giảm khả năng ngộ độ hữu cơ cho cây lúa và cắt đứt nguồn bệnh, không đốt rơm rạ tránh mất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
– Tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo; thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung “né rầy”, phải đảm bảo dứt điểm cánh đồng theo từng đợt xuống giống.
– Nên sử dụng giống mới, giống cấp xác nhận, giống chất lượng cao, giống có đặc tính cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu bệnh và hạn mặn tốt, phù hợp từng địa phương và có thị trường tiêu thụ rộng như: OM 18, OM 4900, OM 5451, Đài Thơm 8, ST 5, ST 24, ST 25
– Bố trí nhóm giống có cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng nước tưới tiết kiệm và quản lý sâu bệnh trên diện rộng đạt hiệu quả.
– Áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, sạ cụm lượng giống dưới 100 kg/ha.
– Áp dụng một trong các quy trình canh tác lúa bền vững như 1 phải, 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận.
– Khai thông các dòng chảy nhằm tạo sự thuận lợi trong điều tiết nước tưới cho cây lúa ngay đầu vụ, sao cho phù hợp từng thời gian sinh trưởng cây lúa, giúp cho cây khỏe, đẻ nhánh sớm, đồng thời khống chế cỏ dại trên ruộng lúa ngay đầu vụ.
– Nên áp dụng kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” giúp tiết kiệm nước, khống chế chồi vô hiệu, tạo sự thông thoáng trên ruộng lúa giảm áp lực sâu bệnh.
– Thường xuyên thăm đồng bón phân thúc sớm, cân đối giữa đạm, lân và kali (N,P,K), không bón thừa phân đạm đặc biệt vào giai đoạn mạ – đẻ nhánh, bón bổ sung một số loại phân bón lá chứa Canxi, Magiê, Silic, các chế phẩm sinh học Comcat, Super Humic, Plastimula…giúp tăng cường khả năng chống chịu hạn, mặn cho cây lúa.
– Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), theo dõi quản lý tốt bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá, thối thân…chủ động phát hiện sớm phòng trị tốt ngay từ đầu vụ.
Tin, ảnh: Hà Tuấn – TTKN