Ngày 04/7, đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Đề án Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp đến năm 2030 chủ trì hội nghị trực tuyến với Hội Nông dân tại 63 tỉnh, thành về triển khai lấy ý kiến Đề án Hội Nông dân tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030.
Quang cảnh hội nghị
Tham dự tại điểm cầu Trung ương Hội, có các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban soạn thảo Đề án Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Hội LHPN Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với các thành viên Ban soạn thảo (tại địa phương)…
Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và lãnh đạo các ngành: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp, Sở Tài chính và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hội LHPN tỉnh, Liên minh HTX tỉnh…
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Đề án nhấn mạnh: Đây là Đề án có ý nghĩa rất lớn với công tác Hội, đặc biệt là ở cơ sở. Qua hội nghị, để các ngành và trực tiếp là Hội Nông dân các tỉnh/thành tham gia góp ý đối với toàn bộ Dự thảo Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030”. Trong này, sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm: quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án…
Đến hết năm 2022, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 2.398 HTX nông nghiệp với 422.250 thành viên; tổng vốn điều lệ là 5.083,76 tỷ đồng (Bình quân 2,12 tỷ/HTX); tổng doanh thu là 5.559,7 tỷ/năm (Bình quân 2,65 tỷ đồng/HTX); tổng lợi nhuận là 839,3 tỷ/năm (Bình quân 350 triệu đồng/HTX); thu nhập bình quân/thành viên/năm là 51,5 triệu đồng. Thành lập được 19.976 THT nông nghiệp (Trong đó có 1.638 THT được chứng thực hợp đồng hợp tác, chiếm 8,2%); tổng số thành viên là 284.444 người; tổng số lao động làm việc thường xuyên là 267.689 người (bình quân 13 người/THT); doanh thu bình quân năm 2022 ước đạt 405,23 triệu đồng/THT; lãi bình quân năm 2022 ước đạt 41,45 triệu đồng/THT.
Tuy nhiên, công tác tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua còn một số hạn chế: vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân một số tỉnh, thành phố đối với sự tham gia phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp chưa được đặt ở vị thế có tính chất quyết định, chưa có sự quan tâm kịp thời và đúng mức. Công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dành cho cán bộ HTX, THT nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; số lượng các HTX nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập được chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế…
Đóng góp cho Đề án, đại diện Ban Thường vụ Hội Nông dân một số địa phương: Thành phố Hà Nội, Hà Tỉnh, Sơn La, Phú Thọ, Hậu Giang, Lâm Đồng… kiến nghị: trong Đề án, cần bổ sung các mục tiêu, giải pháp, chỉ tiêu về chất lượng của HTX, THT; đặc biệt về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực KTTT. Hoàn thiện các văn bản vi phạm pháp luật của Hội Nông dân Việt Nam; giải pháp thu hút các sinh viên sau tốt nghiệp về tham gia HTX, THT; đánh giá, dự báo về doanh thu của các mô hình KTTT để đưa ra kế hoạch sát với tình hình thực tế trong thời gian tới. Vai trò liên kết, hỗ trợ với Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Phát huy vai trò của Hội trong việc huy động tham gia, thu hút vào KTTT; phối hợp, hỗ trợ phát triển HTX…
Theo Đề án, từ năm 2023 đến năm 2025: Hỗ trợ thành lập mới ít nhất 600 HTX nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 15.000 thành viên và lao động thường xuyên là hội viên, nông dân trong HTX; hỗ trợ thành lập mới ít nhất 4.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thêm 40.000 việc làm thời vụ cho hội viên, nông dân; thông qua hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể nông nghiệp, có ít nhất 50.000 thành viên là hội viên, nông dân được đáp ứng nhu cầu hợp tác, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề từ trình độ sơ cấp trở lên;
+ Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập, đảm bảo 100% được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX; mỗi năm tăng 5%, số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;
+ 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành; ít nhất 80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
+ Ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia ít nhất một khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; ít nhất 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể khác; ít nhất 25% HTX được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
+ Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp do Hội ND hỗ trợ thành lập có trình độ cao đẳng trở lên đạt tối thiểu 20%.
– Đến năm 2030: Hỗ trợ thành lập mới ít nhất 1.600 HTX nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 40.000 thành viên và lao động thường xuyên; hỗ trợ thành lập mới ít nhất 8.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thêm 80.000 việc làm thời vụ cho hội viên, nông dân; thông qua hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, có ít nhất 150.000 thành viên được đáp ứng nhu cầu hợp tác và nâng cao trình độ và kỹ năng nghề trình độ sơ cấp trở lên.
+ Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập, đảm bảo 100% số hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; mỗi năm tăng 5%, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;
+ 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành; 100% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể;
+ Ít nhất 85% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia ít nhất một khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; ít nhất 45% HTX có liên kết với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể khác; ít nhất 40% HTX được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
+ Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp do Hội ND hỗ trợ thành lập có trình độ cao đẳng trở lên đạt tối thiểu 35%.
Qua hội nghị lần này, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương và các Bộ ngành có liên quan để hoàn chỉnh Đề án.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tin, ảnh: THANH HÙNG
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân