Trong thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao dẫn đến việc bà con nông dân trên địa bàn huyện Cầu Kè đầu tư sản xuất không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, việc liên kết giúp bà con nông dân tiếp cận được nguồn vật tư đầu vào với giá gốc, dịch vụ nông nghiệp giá rẽ, chất lượng cao được các ngành, địa phương trong huyện quan tâm.
Cán bộ kỹ sư của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ phun thuốc bằng máy bay cho bà con nông dân tham gia mô hình
Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Hội Nông dân huyện Cầu Kè đã thực hiện mô hình “Vật tư rẽ, chất lượng cao” từ vụ lúa Hè Thu năm 2022. Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp vật tư đầu vào như: giống Công ty hỗ trợ miễn phí lần đầu và 50% cho những lần tham gia tiếp theo; đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoặc các Chi Hội Nông dân phân phối cho bà con nông dân ở địa phương có nhu cầu sử dụng và đến cuối vụ Công ty Lộc Trời sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm lúa của bà con theo giá thị trường và trừ lại chi phí vật tư đầu vào bà con đã mua của Công ty trước đó.
Ngoài ra, trong quá trình canh tác, Công ty Lộc Trời còn hỗ trợ phun thuốc bằng máy bay, với chi phí thấp (15.000đ/1.000m2/lần phun) và cử cán bộ, kỹ sư trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa trong suốt mùa vụ. Tính đến nay, Hội Nông dân huyện đã kết hợp với Công ty Lộc Trời triển khai thực hiện được 03 vụ lúa và đã có 864 lượt hộ dân ở các xã Phong Thạnh, Hòa Ân, Châu Điền và Phong Phú tham gia thực hiện mô hình, với tổng diện tích trên 1.340 ha. Trong đó, vụ lúa Hè Thu, Thu Đông năm 2022 có 556 hộ tham gia, với diện tích trên 800 ha, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 có 308 hộ tham gia, với diện tích hơn 540 ha. Các diện tích lúa tham gia mô hình “Vật tư rẽ, chất lượng cao” sau khi thu hoạch bà con nông dân có lãi cao hơn lúa sản xuất ngoài mô hình từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/ha. Được hỗ trợ giống, phun thuốc bằng hệ thống máy bay và được cán bộ kỹ sư hướng dẫn quy trình sản xuất nên năng suất và chất lượng được nâng lên, ngoài ra bà con nông dân được tiếp cận vật tư đầu vào với giá thấp nên giảm được giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận.
Lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè khảo sát diện tích lúa nằm trong mô hình “Vật tư rẽ, chất lượng cao” ở xã Phong Thạnh
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới Hội Nông dân huyện Cầu Kè sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Vật tư rẽ, chất lượng cao”; tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân thấy được lợi ích của việc liên kết trong sản xuất để tham gia mô hình, đặc biệt là hiện nay giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng rất cao dẫn đến việc bà con đầu tư sản xuất không có lãi, do đó việc liên kết Công ty Lộc Trời sẽ được cung cấp vật tư đầu vào với giá gốc, từ đó giúp bà con nông dân giảm được chi phí trong sản xuất và tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, Hội cũng thường xuyên theo dõi quá trình triển khai liên kết đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào giá thấp, ổn định và thu mua lúa của bà con theo hợp đồng đã cam kết, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho bà con khi tham gia mô hình. Đồng thời, trong quá trình thực hiện liên kết chặt chẽ với các ngành có liên quan, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để mô hình “Vật tư rẽ, chất lượng cao” tiếp tục thực hiện và nhân rộng trên địa bàn huyện Cầu Kè trong thời gian tới./.
Thanh Hải – CT HND huyện Cầu Kè
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân