Đồng chí Nguyễn Hoàng Lưu, Phó Chủ Hội Nông dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: với đặc thù là xã thuần nông, có thế mạnh về kinh tế vườn; trong sản xuất, nhiều hội viên cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để cải tạo, trồng mới vườn cây ăn trái hay chăn nuôi… Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, thông qua vai trò Hội đã làm “cầu nối” cho nhiều hội viên và nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ Hội, đã kịp thời tạo điều kiện cho nông dân tái đầu tư trong sản xuất, cũng như mở rộng các mô hình kinh tế hộ, góp phần cùng với địa phương thực hiện thành công xã nông thôn mới nâng cao.
Hội viên Nguyễn Văn Vô (phải) giới thiệu với Hội Nông dân xã về hiệu quả của nguồn vốn vay đầu tư vào vườn ổi của gia đình.
Trong nhiệm kỳ, thông qua 02 nguồn vốn chủ lực đang được Hội Nông dân xã tham gia quản lý là vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư cho 15 hội viên vay số tiền 350 triệu đồng vào chăn nuôi bò sinh sản và vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội đã đầu tư cho 650 hội viên vay, với số tiền 17,698 tỷ đồng phục vụ sản xuất, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cải thiện cuộc sống.
Hội viên nông dân Trần Quốc Tuấn, ấp Hội An, xã Hòa Tân phấn khởi cho biết: trong năm 2022 và đầu năm 2023, giá trái cây giảm mạnh; nhà vườn rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để tái đầu tư, chăm sóc lại vườn cây ăn trái của mình. Với gần 0,3ha chuyên trồng xoài Đài Loan, trong năm 2022, gia đình lỗ gần 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay thông qua Hội Nông dân xã đầu tư cho gia đình (vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân 25 triệu đồng để nuôi bò và vốn vay khởi nghiệp 20 triệu đồng để cải tạo, chăm sóc vườn) nên mới duy trì được cho vụ trái cây hiện nay.
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, xã Hòa Tân có 5.271 lượt hộ nông dân đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất kinh danh giỏi các cấp. Qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đã xây dựng và phát triển được 03 tổ hùn vốn giúp nhau xoay vòng (có 48 thành viên), với số vốn giúp nhau trên 13,2 triệu đồng/tháng và liên tục xoay vòng cho hội viên mượn phục vụ sản xuất. Ngoài ra, trong hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội Nông dân xã Hòa Tân đã phối hợp cùng Hội nông dân tỉnh, huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội làm vườn huyện tổ chức 162 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng màu, dừa, xoài, mít… có 4.847 lượt hội viên nông dân dự.
Tác động từ các nguồn vốn vay trong hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đến với hội viên nông dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè có ý nghĩa rất lớn để tạo động lực cho hội viên và nông dân tái đầu tư. Cùng với đó, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã chia sẻ, góp phần hỗ trợ trong hội viên với nhau, như chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất; hỗ trợ nhau về nguồn vốn xoay vòng (cho mượn cây con giống, vật tư nông nghiệp, vốn…); từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất với thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như hội viên nông dân Thạch Cộng (ấp Chông Nô 2) với mô hình “Canh tác lúa – dừa sáp – nuôi bò”; Thạch Em (ấp Chông Nô 3) với mô hình “ Chanh không hạt xen dừa sáp”; Nguyễn Lê Vinh (ấp An Lộc) mô hình “Tưới nước tiết kiệm trong canh tác thanh nhãn”; Đặng Quang Kha (ấp An Bình) với mô hình “Canh tác cóc cầy xen mít”…
Ông Nguyễn Văn Vô, Tổ trưởng Tổ vay vốn của Chi Hội Nông dân ấp An Bình, xã Hòa Tân cho biết: hiện trong tổ có 56 thành viên và được hỗ trợ nguồn vốn vay ủy thác trên 1,1 tỷ đồng. Nhìn chung, nhờ có nguồn vốn này, nhiều hội viên đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích về nguồn vốn đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế hộ. Ở ấp An Bình, có 42/56 thành viên nhận vốn tập trung cho chăm sóc vườn cây ăn trái và chăn nuôi bò; còn lại là làm nhà vệ sinh. Hiện trong tổ không còn đối tượng hộ nghèo và chỉ còn 01 hộ thuộc diện cận nghèo. Cũng từ nguồn vốn vay ủy thác trên, gia đình được vay 20 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 0,2ha diện tích trồng ổi và 0,3ha diện tích trồng dừa. Trong năm 2023, diện tích ổi sẽ cho trái năm 01, dự kiến đạt khoảng 1,2 – 1,5 tấn trái, với giá bán hiện nay khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân