Cứ hàng năm, vào mùa này, nông dân huyện Cầu Ngang khẩn trương xuống giống chọn những cây màu có giá trị kinh tế cao trồng bán vào dịp Tết. Các cây được chọn trồng nhiều nhất khổ qua, ớt chỉ thiên, dưa hấu và một số rau ăn lá,… vụ màu năm nay cũng vậy, đến thời điểm này nông dân đã xuống giống xong và có hộ trồng ớt thì đang trong giai đoạn thu hoạch đợt đầu và kéo dài cho đến sau Tết.
Người lao động thu hoạch ớt cho gia đình ông Trần Trung Tính, ấp Sóc Mới.
Từ khi thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê kết hợp trồng màu, gia đình hội viên nông dân Trần Trung Tính, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn có cuộc sống ổn định hơn với tổng lợi nhuận đạt 150 triệu đồng. Ông Tính cho biết: 02 năm gần đây giá bò liên tục giảm mạnh nên gia đình tôi giảm đàn, chỉ duy trì 02 con bò sinh sản và tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi 12 con dê sinh sản bước đầu hiệu quả khả quan. Mặc dù khâu tiêu thụ dê chủ yếu bán lẻ nhưng đầu ra ổn định và giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Đối với trồng màu, ngoài diện tích 0,6ha đất chuyển đổi sang trồng cỏ và trồng ớt sừng vàng, khổ qua xoay vòng từ 03 – 04 đợt/năm, ông Tính thuê thêm 0,5ha đất trồng khổ qua và ớt chỉ thiên, ớt sừng vàng; trồng khổ qua không chỉ trúng mùa trúng giá bán 10.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/0,5ha, kết thúc vụ khổ qua ông đầu tư trên 30 triệu đồng trồng ớt chỉ thiên và ớt sừng vàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Hiện nay, 0,5ha ớt trồng trên diện tích của gia đình đang cho thu hoạch từ 150 – 250kg/ngày, giá bán đầu vụ từ 50.000 – 80.000 đồng/kg và sau đó giảm dần xuống còn 30.000 đồng/kg, ước đến kết thúc vụ lợi nhuận từ 50 – 75 triệu đồng.
Gia đình hội viên nông dân Thạch Ngane, ấp Ba So, xã Hiệp Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi 0,3ha đất trồng lúa sang trồng khổ qua, dưa leo, đậu đũa, bầu xoay vòng luân canh 04 đợt/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong 03 năm gần đây. Ông Ngane cho biết: 06 năm trước, gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế dựa vào sản xuất lúa và làm thuê, từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng màu mang lại hiệu quả cao. Với 0,3ha đất trồng rẫy, vụ đầu tiên ông trồng đậu đũa, vụ tiếp theo trồng bầu, vào mùa mưa trồng dưa leo, gần cuối năm trồng khổ qua bán vào dịp tết Nguyên đán. Mỗi vụ trồng được mùa được giá lợi nhuận từ 10 – 15 triệu đồng/1.000m2. Hiện 0,3ha khổ qua trồng hơn 01 tháng để phục vụ thị trường Tết đang phát triển tốt. Theo ông Ngane, vào thời điểm Tết, người tiêu dùng mua khổ qua chế biến món ăn, vì thế nguồn tiêu thụ khổ qua mạnh, có lúc hút hàng giá bán lên đến 20.000 – 30.000 đồng/kg. Từ khi thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, kinh tế gia đình ổn định; từ hộ nghèo đã vươn lên hộ khá.
Theo ông Ngô Ràng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Ngang, những năm gần đây việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn phát triển; các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất, một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân so với trước đây như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với hơn 6.000ha, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, tập trung ở các xã: Kim Hòa, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn; mô hình sản xuất lúa giống, năng suất trung bình 06 tấn/ha, thực hiện ở 02 xã Hiệp Hòa, Trường Thọ; mô hình sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân khoảng 4,5 tấn/ha thực hiện ở các xã Long Sơn, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa và Kim Hòa. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã kết hợp khai thác có hiệu quả vùng đất hoang hóa phèn mặn các cánh đồng Tây khu vực xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây để nuôi thủy sản với con nuôi chủ lực tôm sú và tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận từ 150 – 250 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, Hội Nông dân thực hiện Dự án nâng cao tầm vóc đàn bò, qua đó được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện hỗ trợ vốn thực hiện trên 9,7 tỷ đồng, giúp 200 hộ dân thực hiện dự án, góp phần ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Việc phát triển sản xuất, chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế đã góp phần nâng thu nhập bình quân năm 2022 đạt 62,41 triệu đồng/người/năm. Mặc dù diện tích trồng lúa của huyện tuy có giảm do một phần sản xuất lúa kém hiệu quả nên được chuyển đổi, nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo. Sản xuất một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là các loại cây màu thực phẩm như bắp giống, dưa hấu, ớt chỉ thiên, rau ngắn ngày (mùa nghịch) sản lượng đạt khá cao, lợi nhuận trung bình từ 30 – 50 triệu đồng/ha/vụ, cao từ 05 lần trở lên so với trồng lúa.
Nông dân Thạch Ngane chăm sóc khổ qua trồng phục vụ thị trường Tết.
Bài, ảnh: Ngọc Hân
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi”
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRONG CẢI TẠO AO NUÔI TÔM GIAI ĐOẠN ĐẦU VỤ
Thu nhập tăng từ mô hình Đề án 01 triệu héc-ta
Hội Nông dân tỉnh: SƠ, TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC DƯA LEO THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
Hội Nông dân xã Đôn Châu: Mô hình trồng rau má mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân