Nông dân Thạch Tam thuê thêm đất xuống giống ớt chỉ thiên.
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa
Từ năm 2014 đến nay, nông dân các địa phương trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả 5.428ha. Các mô hình chuyển đổi trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận cao gấp từ 05 lần trở lên so với canh tác lúa.
Vào những ngày giáp Tết, chúng tôi đến thăm gia đình hội viên nông dân Thạch Tam, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa có gần 0,3ha màu trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả cao. Nhận thấy trồng màu mang lại hiệu quả cao, những năm gần đây ông chuyển sang luân canh 02 vụ màu và 01 vụ lúa, lợi nhuận trồng màu đạt từ 30 – 40 triệu đồng/vụ. ông Thạch Tam cho biết: trồng ớt tuy cực công chăm sóc nhưng lợi nhuận nhiều hơn trồng lúa. Ớt chỉ thiên từ thời điểm trồng cho đến kết thúc khoảng 06 tháng trở lên nhưng lợi nhuận nhiều hơn trồng lúa. Giá ớt tăng cao, thu hoạch cổ 1 nông dân có thể thu hồi vốn, lợi nhuận thu hoạch ở cổ 2 và cổ 3, nếu ớt được giá có thể thu hoạch đến cổ 4 và cổ 5. Ở những cổ 2 và cổ 3 chi phí đầu tư không nhiều phần lớn đầu tư từ 01 – 02 bao phân duy trì ớt say trái. Chính vì thế, 04 năm gần đây, gia đình ông tập trung phát triển cây ớt chỉ thiên trên đất lúa. Thời điểm ớt rớt giá, ông thu hoạch hết cổ 3 và tranh thủ xuống giống thêm vụ bí đao hoặc đậu đũa nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích. Vụ ớt này ông trồng gần 0,5ha ớt chỉ thiên, hiện đang thu giá bán 30.000 đồng, với giá ớt ổn định ở mức kéo dài đến dịp tết Nguyên đán hết vụ, ông thu lợi nhuận ước 80 triệu đồng. Không chỉ chuyển đất lúa sang trồng màu, ông còn thuê thêm 0,2ha đất lúa trồng ớt chỉ thiên bán sau Tết.
Gia đình nông dân Thạch Sa Thia ngụ cùng ấp cũng mạnh dạn luân canh 0,2ha ớt chỉ thiên trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Thia cho biết: vụ ớt đợt này được giá nhưng gặp thời tiết mưa bão thất thường nên năng suất ớt có thể không bằng những vụ trước. Song song với cây ớt, ông tận dụng 500m2 đất gò cạnh bờ ruộng trồng rau cải các loại nhằm tăng thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, mỗi ngày thu hoạch 20 – 30kg, giá bán 13.000 – 15.000 đồng/kg, thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/ngày.
Trồng vụ ớt chỉ thiên lợi nhuận gấp 05 lần so với lúa
Không chỉ có người dân xã Hiệp Hòa luân canh hoa màu trên đất lúa, hầu hết các xã Long Sơn, Nhị Trường, Mỹ Long Bắc, Thuận Hòa,… có điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây màu các loại, đặc biệt là nhiều người dân ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa đã chuyển đổi đất thâm canh cây lúa sang trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nông dân Thạch Cham Pha, ấp Trà Kim cho biết: trước đây với 0,4ha đất canh tác 02 vụ lúa/năm, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Canh tác lúa mỗi vụ lợi nhuận đạt hơn 01 triệu đồng/0,1ha/vụ, khi chuyển sang luân canh 01 vụ ớt chỉ thiên – 01 vụ lúa trên đất chuyên lúa, không chỉ gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, còn thích ứng với biến đổi khí hậu, quan trọng lợi nhuận gấp 05 lần so với trồng lúa. Nhận thấy lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, đồng thời có doanh nghiệp liên kết thu mua, nên 07 năm qua gia đình ông tập trung sản xuất ớt chỉ thiên. Chi phí đầu tư mỗi vụ ớt chủ yếu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, màng phủ nông nghiệp… khoảng 10 triệu đồng/0,1ha, năng suất ớt đạt từ 1,8 – 2,5 tấn/0,1ha, được mùa được giá lợi nhuận từ 10 – 20 triệu đồng/0,1ha. Vụ ớt năm nay ông tiếp tục trồng 0,4ha trên lúa, giá bán thời điểm này 30.000 đồng/kg, ước đến cuối vụ lợi nhuận đạt hơn 50 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa cho biết: toàn xã có hơn 1.400ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó vụ ớt tết năm nay, nông dân trong xã xuống giống gần 100ha tập trung nhiều nhất ở ấp Trà Kim, lợi nhuận mang lại đạt từ 100 – 150 triệu đồng/ha/vụ. Những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở khu vực để khai thác tiềm năng và lợi thế hướng đa dạng hóa cây trồng, hình thành hàng hóa sản xuất tập trung theo hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Hướng tới, xã quy hoạch mở rộng diện tích trồng màu thêm 30ha tập trung ở 03 ấp Trà Kim, Sóc Chùa và Nô Công nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa không chỉ mở rộng qua các năm, còn làm đa dạng hóa sản phẩm, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ mục tiêu tái cơ cấu đã góp phần tăng giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, góp phần nâng cao đời sống người nông dân./.
Bài, ảnh: Thanh Nguyên