Mô hình trồng rau má, tưới phun tự động của hội viên nông dân Phạm Thị Hoàng ấp Sa Văng, xã Đôn Châu.
Xã Đôn Châu có đồng bào Khmer, chiếm 78,80% dân số. Toàn xã có 10 ấp với 11.695 nhân khẩu được chia cắt bởi Tỉnh lộ 914 thành hai tiểu vùng sinh thái. Hướng Nam có 04 ấp, gồm: Bà Nhì, La Bang Kinh, La Bang Chợ và La Bang Chùa thuộc tiểu vùng sinh thái nước mặn, sinh kế của người dân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản; hướng Bắc có 06 ấp, gồm: Tà Rom A, Tà Rom B, Sa Văng, Mồ Côi, Bào Môn và Ba Sát thuộc tiểu vùng sinh thái nước ngọt, sinh kế của người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp.
Theo nhiều nông dân địa phương cho biết: Rau má là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc với chi phí đầu tư thấp, thu hoạch được nhiều đợt trong năm, thích nghi với nhiều vùng đất, giá cả và đầu ra ổn định. Loài rau này ít sâu bệnh gây hại nên hạn chế được việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thông thường cây rau má sau 2-3 tháng trồng sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó cứ một tháng là thu hoạch một đợt.
Nông dân Phạm Thị Hoàng – ấp Sa Văng chia sẻ: “Gia đình tôi có 3.000 m2, trước đây làm ruộng đợt trúng thì lãi 01 triệu, nếu thất thì lỗ luôn, rồi tôi mới suy nghĩ không trồng lúa chuyển sang trồng màu. Hiện tại đang trồng rau má, với diện tích 03 công đất, vốn đầu tư ban đầu mua: phân, thuốc, giống hết 20 triệu đồng. Sau 02 tháng trồng gia đình tôi mới thu hoạch đợt đầu tiên được30 triệu đồng, qua 01 tháng sau thu hoạch tiếp đợt 02. Đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 02 đợt rau má, với số tiền 60 triệu đồng, trừ các khoản chi phí 30 triệu đồng, còn lại lợi nhuận 30 triệu đồng. Rau má hiện tại đang phát triển tốt, gia đình tôi chuẩn bị cho đợt thu hoạch tiếp theo, giờ đây cuộc sống gia đình rất ổn định.”
Để có được mô hình trồng rau má, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đôn Châu – Dương Văn Hảo cho biết: “Qua tìm hiểu nhiều nơi, thấy cây rau má thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã mạnh dạn thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng rau má với tổng diện tích 4,6ha, gồm 19 thành viên, số vốn ban đầu của Chi hội là 625 triệu đồng (trong đó vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh là 425 triệu đồng, còn lại hội viên đối ứng)”.
Trong năm 2024, chi hội phát triển thêm 5 hội viên mới, sau 02 tháng trồng rau má bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, năng suất đạt 6 tấn/ha/đợt. Một năm có thể thu hoạch đến 10 đợt, với giá bao tiêu sản phẩm 15.000 đồng/kg của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc, mỗi năm nông dân thu nhập hơn 100 triệu đồng. Mô hình trồng rau má đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 hội viên và tăng thu nhập đáng kể cho hội viên tham gia chi hội.
Nhận thấy được tiềm năng nhân rộng mô hình trồng rau má tại các ấp của xã Đôn Châu là rất lớn, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân xã tuyên truyền hội viên nông dân tham gia trồng rau má, liên kết với HTX Nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc bao tiêu sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duyên Hải – Thạch Sa Vếch cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông huyện tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc, khảo sát nhu cầu trồng rau má của các hộ có kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất rau sạch. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình. HTX Nông nghiệp Hữu cơ Ngũ Lạc hỗ trợ bán trả chậm giống, phân hữu cơ cho người trồng, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 8%. Qua đó, nhằm hướng tới nhân rộng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao”./.
Đồng chí Dương Văn Hảo – chủ tịch Hội Nông dân xã Đôn Châu thăm mô hình trồng rau má của HVND Phạm Thị Hoàng ấp Sa Văng
Bài, ảnh: Cẩm Nam – Sa Vếch