Triệu chứng của bệnh héo xanh
1. Bệnh thối gốc (lở cổ rễ): Do nấm gây ra, bệnh rất phổ biến giai đoạn cây con (ươm giống), bệnh phát triển mạnh trong điều kiện giá thể gieo trồng có ẩm độ cao, phần cổ rễ sát với mặt đất bị thối mềm, bị úng và teo tóp lại, cây bị ngã ngang nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau đó mới héo, bệnh thường tấn công mạnh giai đoạn 5-10 ngày sau khi gieo.
2. Bệnh héo xanh: Do vi khuẩn gây ra, có thể gây hại ở bất kỳ giai đoạn nào của cây, nhưng thường gây hại chủ yếu giai đoạn sinh trưởng, đến lúc ra nụ hoa, tác động vào bộ phận gốc rễ và di chuyển vào trong mạch dẫn của cây làm hư mạch dẫn, ngăn cản quá trình vận chuyển nước và dinh dưỡng. Triệu chứng của bệnh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh, ban đầu xảy ra ở một cành hoặc một nhánh, sau đó dẫn tới toàn cây héo xanh rũ xuống. Hiện tượng héo xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây tươi lại, sau 2 – 3 ngày cây chết hẳn.
3. Bệnh thối bông: Bệnh do nấm gây ra, nấm tấn công vào giai đoạn bắt đầu hình thành nụ hoa, khi nhiễm bệnh nụ hoa có màu nâu đen, bông không nở hoặc nếu có nở cánh hoa cũng bị thối đen. Ngoài ra nấm còn tấn công cả lá, biểu hiện trên lá là những vết bệnh hình có màu xám nâu hoặc xám đen, vết bệnh thường lan từ mép lá, chót lá vào trong phiến lá, bệnh nặng làm cho cả lá bị cháy khô, giảm khả năng quang hợp, cây kém phát triển. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện điều kiện ẩm độ cao, tưới quá nhiều nước nhất là giai đoạn trổ hoa.
Triệu chứng nấm bệnh gây hại trên bông và lá
4. Các biện pháp quản lý, phòng trị:
* Biện pháp canh tác
– Lên liếp đảm bảo thoát nước tốt tránh ngập úng.
– Sử dụng phân hữu cơ hoai có kết hợp nấm Trichoderma để bón cho cây
– Không bón quá nhiều phân đạm
– Bố trí mật độ trồng vừa phải, không trồng dày
– Kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng, phát hiện cây bị bệnh, thu gom tàn dư cây bệnh và đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh.
-Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của cây để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Biện pháp hoá học
– Đối với bệnh Héo xanh: Sau khi nhổ bỏ cây bị bệnh, cần bón vôi bột vào chỗ vừa nhổ để khử trùng đất và sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất Kasugamycin, Oxolinic acid, Bronopol, Oxytetracycline Hydrochloride phòng trị, phun vào giai đoạn sau khi trồng và sau khi ngắt đọt để ngăn ngừa bệnh.
– Đối với bệnh Thối bông; Thối gốc: Sử dụng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Benomyl, Fosety Aluminium… để phòng trị./.
Hà Tuấn