Triệu chứng biểu hiện bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh vàng lá thối rễ rất khó phát hiện sớm do bệnh phần lớn bắt nguồn từ rễ, nấm gây bệnh từ đất, bệnh do nhiều tác nhân gồm nấm Fusarium, Pythium, Phytophthora và có thể do tuyến trùng gây ra. Nấm xâm nhiễm, gây hại là làm cho rễ và các tế bào mạch dẫn của cây không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng từ trong đất. Vì vậy mà các triệu chứng của bệnh nấm đất gây ra thường rất giống nhau, đều gây hiện tượng cây còi cọc, lá bị vàng và rụng, dần dần chết cây.
2. Điều kiện phát sinh bệnh vàng lá thối rễ
Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, đất thường xuyên bị ngập nước, đất bị chua (pH thấp từ 3,9 – 4,5), đất ít bón vôi, đất sử dụng nhiều phân hóa học, ít sử dụng phân hữu cơ.
Cây có bộ rễ suy yếu do xiết nước xử lý ra hoa vào mùa nắng làm cây thiếu nước một số rễ khỏe ăn sâu, khi mùa mưa đến thì thoát nước không kịp, làm cho rễ bị ngập nước dẫn đến đầu chóp rễ và lông hút bị hư.
Lạm dụng quá nhiều các chất kích thích sinh trưởng (NAA, IAA, 2,4-D), chế phẩm kích thích ra hoa trái vụ (Paclobutrazol kết hợp Thiourea, MKP và KNO3) ở liều lượng khá cao kết hợp với việc xiết nước xử lý ra hoa làm cho bộ rễ nhanh lão hóa và phá vỡ cấu trúc đất do các vi sinh vật đối kháng có ích trong đất bị tiêu diệt, cây suy yếu tạo điều kiện nấm bệnh có cơ hội dễ xâm nhập và gây hại nặng.
3. Triệu chứng gây hại
– Biểu hiện trên lá: Lúc đầu chỉ có vài nhánh biểu hiện lá bị vàng, vàng cả phiến và gân lá, lá già vàng trước, sau đó đến các lá bánh tẻ và lá non, kích thước lá không thay đổi, các lá vàng dễ rụng khi có gió hoặc lấy tay rung nhẹ, bệnh càng nặng lá vàng và rụng càng nhiều.
– Biểu hiện trên rễ: rễ tuột khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Khi bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây làm cành bị chết khô. Ngoài ra bệnh có thể tấn công ngay phần cổ rễ.
Triệu chứng rễ cây có múi không còn rễ tơ, bị thối rễ, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ
4. Biện pháp quản lý bệnh vàng lá thối rễ
– Chọn cây giống sạch bệnh, không nhân lấy giống từ những vườn đã có cây bị nhiễm bệnh. Đối với những vùng đất thấp cần đào mương, lên liếp giúp thoát nước tốt, có hệ thống đê bao chắc chắn.
– Bón phân cân đối giữa Đạm, Lân và Kali, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất; có thể bổ sung nấm đối kháng Trichoderma (10 – 20 g/gốc) nhằm tạo điều kiện để tăng sinh khối vi sinh vật có ích, giúp đối kháng và tiêu diệt các loài nấm bệnh lưu tồn trong đất.
– Vào mùa khô nên xử lý thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện gây hại quanh vùng rễ.
– Thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm triệu chứng gây hại của bệnh, chủ động và xử lý ngay tránh lây lan.
– Cung cấp oxy cho đất bằng cách bằng cách xới nhẹ xung quanh gốc nơi vùng rễ bị thối, cắt những rễ bị hư thối ra khỏi bộ rễ và bôi thuốc vào vết cắt, rải vôi bột để khống chế mầm bệnh trong đất và nâng độ pH trong đất.
– Phun bổ sung phân bón qua lá cho cây, do trong giai đoạn này rễ cây đã bị tổn thương khó hấp thu dinh dưỡng từ đất. Đối với cây bệnh nặng cần phải tiến hành nhổ bỏ đem thiêu huỷ
– Sử dụng thuốc trừ nấm có chứa hoạt chất như: Fosetyl Aluminium, Metalaxyl, Cholorothalonil…) kết hợp với thuốc có hoạt chất Abamectin trừ rệp sáp và tuyến trùng hại rễ bằng cách tưới vào gốc rễ khuyến cáo tưới 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 5 ngày. Phòng trị bệnh theo nguyên tắc trị bệnh trước kích rễ sau và phun thuốc hoá học tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Hà Tuấn
Tài liệu tham khảo