Nông dân Kiên Nhu kiểm tra thu hoạch dừa sáp.
Hiệu quả từ mô hình trồng dừa sáp
Đó là mô hình của nông dân Kiên Nhu, ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh đã chuyển đổi thành công trong 10 năm qua, mang lại tổng thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Nông dân Kiên Nhu chia sẻ: Ban đầu vợ chồng ông được cha mẹ cho 0,5ha đất lúa canh tác 03 vụ/năm. Do điều kiện đất đai gò cao vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa nên năng suất lúa đạt bấp bênh, mỗi vụ sản xuất đạt 500kg/0,1ha, giá bán không ổn định, có vụ huề vốn, có vụ lợi nhuận không cao. Nghề trồng lúa tuy không dư giả nhưng có lúa dự trữ trang trải cuộc sống hàng ngày. Cách nay 10 năm, để cải thiện kinh tế gia đình, ông mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang đào mương, lên liếp trồng dừa sáp mang lại lợi nhuận gấp 10 lần so với độc canh cây lúa.
Ông Nhu cho biết thêm: Hiện dừa sáp hàng tháng cho trái thu nhập từ 05 – 06 triệu đồng, có tháng dừa cho trái sáp nhiều nên thu nhập tăng lên 07 – 08 triệu đồng. Bình quân mỗi cây dừa sáp chỉ cho từ 02 – 03 trái, giá bán 100.000 đồng/trái dừa sáp loại 1. Ngoài dừa sáp, ông còn có nguồn thu nhập từ bán dừa khô với giá 65.000 đồng/chục (12 trái). Trồng dừa mang lại hiệu quả cao và bền vững hơn những cây trồng khác, nhẹ công chăm sóc và thường xuyên vệ sinh dọn dẹp vườn và cắt tỉa những tàn dừa già cỏi để bón phân chăm sóc cây dừa, mỗi năm bón phân 02 – 03 lần, quan trọng trồng dừa phù hợp với điều kiện sức khỏe của ông hiện nay. Nhờ chí thú làm ăn nên tổng thu nhập dừa sáp và dừa khô bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông trồng xen cây xoài và các loại cây có múi khác nhằm tăng thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt và phân bón cho cây dừa sáp.
Theo công chức nông nghiệp xã Long Đức Thạch Thị Khonc Thi, tuy là xã vùng ven của thành phố Trà Vinh, nhưng những năm gần đây người dân trong xã thực hiện chuyển đổi sang trồng màu, trồng dừa kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Trong đó, cây dừa là cây trồng chuyển đổi hiện nay có giá trị cao và mang tính bền vững của người dân trên địa bàn, nhất là cây dừa sáp. Hiện toàn xã đã chuyển đổi sang trồng dừa khoảng 900ha, trong đó có 10ha dừa sáp; 300ha dừa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Luân canh hiệu quả cây màu trên đất lúa
Nông dân Mai Văn Tiếp, ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc cho biết: hơn 10 năm nay, từ khi chuyển đổi luân canh sang lúa – màu, kinh tế ngày càng ổn định. Với 1,5ha đất trồng 02 vụ màu (đập phộng, bắp) và 01 vụ lúa kết hợp với nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Những năm đầu chuyển đổi kinh tế gia đình ngày phát triển, nhất là mô hình nuôi bò sinh sản, thời điểm trước đó bò có giá, lợi nhuận cao. Hàng năm, ông bán 04 con, thu nhập lợi nhuận 100 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình vươn lên ổn định, ông mua thêm đất canh tác và hiện nay đã chia đất cho các con và chỉ còn 0,5ha đất canh tác 02 vụ lúa – 01 vụ màu. Gần đây, do điều kiện lớn tuổi, sức khỏe giảm nên ông duy trì đàn bò nuôi 04 con và tập trung chuyển sang trồng 0,5ha dừa mang lại thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/năm.
Nông dân Nguyễn Văn Kiêu, ấp Mỹ Thập hiện đang phát triển tốt từ khi thực hiện chuyển đổi luân canh 01 vụ màu – 02 vụ lúa, thu nhập ổn định. Ông Kiêu cho biết: với 1,3ha đất sản xuất, ông canh tác 02 vụ lúa hè – thu và thu – đông mùa và 01 vụ đậu phộng. Ngoài ra, ông còn tận dụng 0,4ha đất chuyên trồng đậu phộng, đậu bắp từ 02 – 03 vụ/năm mang lại thu nhập cao. Vụ đậu phộng năm nay nhờ được mùa được giá lợi nhuận 08 triệu đồng/0,1ha. Khi kết thúc vụ đậu phộng, ông trồng đậu bắp, so với đậu phộng, đậu bắp tuy giá bán thấp hơn, khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận tương đương, do chi phí đầu tư trồng đậu bắp ít, thời gian thu hoạch kéo dài, phù hợp với điều kiện thời tiết trong mùa nghịch (mùa mưa).
Đồng chí Phương Thị Thúy Hảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc cho biết: việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất thời gian qua được người dân trong xã thực hiện có hiệu quả. Thời gian tới, xác định và định hướng những mô hình hiệu quả kinh tế cao xã tiếp tục đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu kết hợp chăn nuôi; chú trọng chủ lực là cây dưa hấu, bí đỏ, ớt chỉ thiên, đậu phộng và một số cây màu thực phẩm khác kết hợp với nuôi heo thịt, bò vỗ béo, gà thịt sử dụng đệm lót sinh học.
Nông dân Mai Văn Tiếp (bên phải), ấp Mỹ Thập chia sẻ quy trình chuyển đổi trồng dừa trên đất lúa kém hiệu quả.
Bài, ảnh: Ngọc Hân