Cây cam sành bộ lá chuyển sang xanh đọt chuối đủ điều kiện xử lý ra hoa
Chăm sóc cơi đọt: Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, chăm sóc cho ra cơi đọt đồng loạt tập trung và phun thuốc phòng ngừa sâu, bệnh (nhện đỏ, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, thán thư, ghẻ…).
Bón phân có hàm lượng Lân và Kali cao trước khi xử lý ra hoa, bên cạnh đó nên phun phân bón lá có chứa các nguyên tố vi lượng như: Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Bo (B) để tăng tỷ lệ ra hoa và đậu trái trên cam sành.
Bón phân giúp cây tạo mầm hoa tốt: Khi lá chuyển lụa (bộ lá đã chuyển sang xanh đọt chuối, lá có chiều hướng bung ra theo hướng ngang): Bón vôi 80-100 kg vôi, 5- 7 ngày sau rải 150 -200 kg lân + 40 kg kali cho 1.000 m2
Xử lý ra hoa bằng cách sử dụng hoá chất như Paclobutrazo cần tuân thủ tốt hướng dẫn, nồng độ, liều lượng để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ, tuổi thọ cây cam sành.
Bón phân nuôi hoa đầy đủ và cân đối: Sau khi phun phá lá để kích thích ra hoa cam sành 2 ngày tưới trở lại kết hợp bón phân NPK 100 kg/ 1.000 m2 (tỷ lệ NPK 1-1-1 đối với cây xử lý cho trái lần đầu, tỷ lệ 2-1-1 cho các năm kế tiếp). Có thể áp dụng tưới nước vôi 5% (5 kg vôi pha 100 lít nước) hoặc tinh vôi trước khi bón phân để ổn dịnh pH đất, hoặc sử dụng humic.
Phá lá để kích thích ra hoa cam sành: Không nên cho cây cam sành rụng quá nhiều lá (thông thường 30%). Khi cây bắt đầu ra hoa nếu có xuất hiện nhiều chồi non thì phải cắt bỏ hết chồi non.
Giai đoạn cây ra hoa: Khi thấy hoa vừa mới nhú, tiến hành phun thuốc trừ bọ trĩ, nhện đỏ, sâu vẽ bùa kết hợp ngừa bệnh thán thư gây hại hoa (mùa mưa) và các loại phân bón qua lá chứa canxi, botrat gốc hữu cơ, tưới nước đầy đủ. Phun GA3 (Gibberellic Acid) nồng độ 12 – 15 pmm hoặc NAA (Naphthaleneacetic acid) nổng độ 20 – 25 ppm vào giai đoạn hoa nở 20 – 30%.
Cam sành sau khi rụng cánh hoa hình thành trái
Khắc phục hiện tượng rụng trái non: Vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, quản lý mực nước trong vườn tránh bị ngập (mùa mưa) bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng trái non từ khi trái có đường kính 3 – 5 mm. Cam sành có 2 đợt rụng sinh lý:
– Đợt 1: Sau khi cây rụng cánh hoa hoàn toàn khoảng 1 tuần: Sau khi rụng cánh hoa hoàn toàn (khoảng 5 – 7 ngày sau hoa nở) phun phân bón lá chứa Kali kết hợp dầu khoáng để hạn chế rụng nụ và phòng ngừa nhện, bọ trĩ.
– Đợt 2: Sau khi đậu trái 1 tháng (trái có đường kính 3 – 5 mm): Giai đoạn từ khi đậu trái đến 1 tháng sau thường xuyên phun các loại phân bón qua lá chứa canxi, botrat gốc hữu cơ và phòng trừ bọ trĩ, nhện đỏ, sâu vẽ bùa kết hợp ngừa bệnh thán thư, ghẻ.
Sau khi đậu trái 1 tháng thi mới tiến hành bón phân nuôi trái lần 1 và bón cân đối NPK ( 3 – 1,5 – 2) kết hợp phân chứa Canxi.
Chú ý: Khi sử dụng các chế phẩm nên pha theo đúng nồng độ khuyến cáo, sử dụng các sản phẩm gốc hữu cơ đặc biệt là các vi lượng Bo, Cu, Zn để tránh ngộ độc cho cây.
Tin,ảnh Hà Tuấn