Ông Trần Văn Chung (phải), Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài đưa lúa giống vào nhà kho sau khi đóng bao bì.
Bằng các mối quan hệ và vận dụng kiến thức về kinh tế tập thể Ban Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành và địa phương. Những năm gần đây, hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp, công ty cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên với giá thấp hơn thị trường khoảng 10% và đầu ra sau khi thu hoạch.
Nông dân Nguyễn Văn Đậm, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài cho biết: từ khi tham gia vào hợp tác xã sản xuất lúa giống, nông dân không lo thiếu vốn mỗi khi đến vụ sản xuất, nhất là giá nguyên liệu đầu vào sẽ thấp hơn giá thị trường. Đến lúc thu hoạch, nông dân bán lúa được hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài thu mua mà không lo bị ép giá. Gia đình ông có gần 04ha đất lúa 03 vụ/năm, riêng vụ lúa đông – xuân năm nay, năng suất đạt bình quân 08 tấn/ha, giá bán cho hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài 9.200 đồng/kg, lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng/ha. Mặc dù giá lúa hiện đã sụt giảm do gia đình ông thu hoạch sau các hộ khác, nhưng hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài vẫn mua bằng giá với các hộ đã thu hoạch trước.
Nông dân Nguyễn Văn Minh, ấp An Chay, xã Thanh Mỹ và là thành viên hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài cho biết thêm: giá lúa vụ đông – xuân đợt này tăng hơn vụ trước. Với 3,5ha lúa đợt này, năng suất đạt bình quân 08 tấn/ha, giá bán cho hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài vẫn 9.200 đồng/kg, lợi nhuận đạt 34 – 42 triệu đồng/ha. Nhờ tham gia vào hợp tác xã kịp thời, được cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra nên vụ lúa đợt này ông đã thuê thêm 2,5ha đất để làm lúa, nhờ vậy mà doanh thu vụ lúa đông – xuân vừa qua lợi nhuận mang về gần 150 triệu đồng.
Có thể thấy hiệu quả hoạt động đã thể hiện qua từng vụ lúa, từng việc làm thiết thực của hợp tác xã. Nhờ thế, hợp tác xã từ 58 thành viên tham gia với 40ha (2012), nay đã tăng lên 94 thành viên tham gia sản xuất với 150ha, vốn điều lệ 424 triệu đồng, vốn hoạt động lên 04 tỷ đồng. Hợp tác xã chuyên sản xuất các loại lúa giống, lúa hàng hóa; cung cấp vật tư nông nghiệp cho thành viên, đây là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài cho biết: khi mới thành lập, tình hình hoạt động còn nhiều khó khăn, thành viên ít, nông dân và thành viên hợp tác xã chưa tin tưởng nên hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Để hợp tác xã hoạt động đúng hướng, mang lại lợi ích cho thành viên, hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra, đầu vào và ứng dụng các tiến bộ khoa học – thuật từ khâu chọn giống nguyên chủng đến quá trình sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho thành viên và nông dân. Nhờ tham gia vào hợp tác xã các hộ sản xuất nhỏ lẻ ở Thanh Mỹ đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng thương hiệu cho cây lúa. Mặt khác, nông dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả hơn so với sản xuất riêng lẻ. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của địa phương và các ngành liên quan đã hướng dẫn, hỗ trợ nên hợp tác xã dần ổn định. Việc sản xuất lúa, nhất là lúa giống có nhiều thuận lợi, ổn định và hiệu quả. Từ đó, đã tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung và nguyện vọng của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bình đẳng, hài hòa lợi ích. Qua đó hợp tác xã đã đóng góp tích cực vào xây dựng xã Thanh Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt là hàng năm hợp tác xã đóng góp trên 30 triệu đồng xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình phúc lợi và quỹ an sinh xã hội của địa phương.
Tuy hiện nay hợp tác xã hoạt động đi vào nề nếp và hướng đến phát triển bền vững nhưng vẫn còn khó khăn do thiếu trang thiết bị. Sắp tới hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất để được hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc canh tác lúa cũng như hoạt động của hợp tác xã, từ đó giúp thành viên giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài kiểm tra chất lượng sản phẩm sau khi ứng dụng máy dê lúa
Bài, ảnh: Ngọc Hân