Triệu chứng gây hại của sâu đầu đen gây hại trên Lá và Trái
* Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella, thuộc họ bướm đêm, bộ cánh vảy.
– Trứng sâu đầu đen có hình cầu, màu trắng đục, sắp nở chuyển màu hồng. Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá. Giai đoạn trứng kéo dài từ 4 – 5 ngày.
– Ấu trùng sâu đầu đen có màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến hồng nhạt, có 3 đường màu nâu chạy dọc trên lưng, cơ thể sâu nhỏ dần từ đầu đến ngực và bụng. Ấu trùng gây hại bằng cách ăn phần thịt ở mặt dưới lá và chừa lại lớp biểu bì mặt trên lá chét, chúng thải phân sau đó nhả tơ kết thành tổ giống như đường đi của tổ mối để trú ẩn, khi bị động, sâu đầu đen ẩn nắp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất, sâu gây hại làm tàu dừa bị khô lá, xơ xác từ các tàu lá già bên dưới, dần lên các tàu lá phía trên ngọn. Khi mật số sâu tăng cao chúng còn gây hại cả vỏ trái và trên thân cây dừa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái dừa.
– Thành trùng sâu đầu đen thuộc họ ngài đêm, cánh trước màu trắng xám với những chấm màu nâu rải rác trên cánh. Ban ngày, chúng thường ẩn náu ở mặt dưới lá chét và những bụi rậm bên dưới tán lá dừa.
Để giúp người dân chủ động trong việc quản lý và phòng trị sâu đầu đen gây hại cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
* Biện pháp canh tác: Thường xuyên thăm vườn dừa để kịp thời phát hiện Cắt tỉa và tiêu hủy các tàu lá dừa bị sâu gây hại, đem đốt hoặc vùi xuống nước, việc làm này có tác dụng tiêu diệt ấu trùng, nhộng và trứng sâu nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn môi trường và cần thực hiện ngay khi sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới. Chăm sóc, bón phân đầy đủ cho vườn dừa phát triển tốt.
* Biện pháp sinh học: Sâu đầu đen hại dừa được ghi nhận là có nhiều loài thiên địch tấn công chúng trong tự nhiên như nấm xanh, ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kìm…khi vườn dừa có mật số cao phun các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis (Bt), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveriasp.), nhằm kiểm soát mật số sâu đầu đen gây hại.
* Biện pháp hoá học:
– Đối với vườn dừa sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ: Không sử dụng biện pháp hoá học, chỉ sử dụng biện pháp sinh học
– Đối với vườn dừa sản xuất thường: Cần cắt tỉa, tiêu huỷ tàu lá trước khi phun thuốc BVTV nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc.
+ Đối với vườn dừa trồng xen cây ăn trái kết hợp nuôi cá, tôm: sử dụng thuốc có hoạt chất ít gây ô nhiễm môi trường như: Flubendiamide (Takumi 20WG), Spinetoram (Radian 60SC).
+ Đối với vườn dừa trồng chuyên: Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Emamectin benzoate (Angun 5 WG), Lufenuron (Match 50 EC) hoặc
Spirotetramate (Movento 150OD).
Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; Hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ (cau kiểng, chuối, dừa nước…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác hạn chế lây lan; Phun thuốc lúc trời ít gió, dùng máy phun áp suất cao phun ướt đều các tàu và cả buồng trái; Không phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại.
Hà Tuấn – TTKN